Có dịp tiếp xúc với Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng, chúng ta sẽ thấy ông có một sự am hiểu tường tận các lĩnh vực sản xuất và tốc độ làm việc, khả năng cập nhật cái mới của ông dường như không có điểm dừng.

Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng

TGĐ Nguyễn Đoàn Thăng trao giải cho những cá nhân xuất sắc của Công ty

Những người công nhân Rạng Đông kể rằng đều đặn vào mỗi buổi sáng, TGĐ. Nguyễn Đoàn Thăng đến sớm tưởng niệm trước tượng đài Hồ Chủ tịch trong khuôn viên công ty. Và cứ mỗi lần công ty phát động một đợt thi đua lao động mới, từ 5 giờ 30 sáng ông đã có mặt để bắt tay cảm ơn và động viên từng người công nhân vào ca. 

Điều này chẳng khác mấy phong cách một vị lãnh đạo của nhiều thập kỷ trở về trước, nhưng lại hiện hữu một cách bình thường và tự nhiên ở một con người đang nắm cương vị chèo lái một công ty với hơn 3.000 cán bộ công nhân trong nền kinh tế thị trường hiện đại, doanh số năm 2012 đạt trên 2 nghìn 200 tỷ đồng, mỗi năm cung cấp hàng trăm triệu sản phẩm, chiếm thị phần lớn nhất trên toàn quốc, lọt vào TOP 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. 

Có dịp tiếp xúc với Tổng Giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, chúng ta sẽ thấy ông có phong cách rất giản dị và gần gũi, và một sự am hiểu tường tận các lĩnh vực sản xuất. Mặc dù tuổi đã cao nhưng tốc độ làm việc, khả năng học tập của ông dường như không có điểm dừng. Ông xuống từng xưởng, từng tổ sản xuất để cùng lắng nghe bàn bạc, cùng anh em tìm cách giải quyết những vấn đề hóc búa trong kỹ thuật công nghệ, và sẵn sàng học hỏi từ những người “thầy” ít hơn mình nhiều tuổi, trân trọng tri thức, trân trọng các nhà khoa học, ghi chép đúc rút thành các học bài kinh nghiệm. Ông thường tâm sự: “Mình làm lãnh đạo mà không hiểu hết công việc của anh em, không cùng anh em giải quyết thì sẽ không thể điều hành được công việc. Mình phải luôn tự nhủ cố gắng để làm gương cho con cháu, cho anh em trong học tập, trong công việc” 
    
Những quyết định quan trọng

GĐ. Nguyễn Đoàn Thăng tiếp nhận vị trí lãnh đạo Rạng Đông trong bối cảnh đất nước chuyển mình đổi mới từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường, nhà máy đang bên bờ vực phá sản, do sản phẩm không cạnh tranh được với làn sóng hàng nhập ngoại từ Nga, Đông Đức, các hàng giá rẻ Trung Quốc. Công ty rơi vào thua lỗ khiến hơn 1600 công nhân phải nghỉ việc trên 6 tháng, tài khoản ngân hàng bị phong tỏa; đồng thời dây chuyền sản xuất đèn tròn Tungsram của Hungary tại công ty có nguy cơ phải để Nhà nước ta gán nợ cho nước bạn.

Để vượt qua tình thế bức bách đó, GĐ. Nguyễn Đoàn Thăng cùng với Đảng ủy công ty bàn bạc quyết định thay đổi cơ chế điều hành, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, thực hành hạch toán kinh tế nội bộ triệt để, tạo điều kiện cho cán bộ công nhân tham gia đóng góp sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đích thân ông đi thực tế thị trường tìm hiểu nhu cầu, tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, để rồi trở về bắt tay vào tìm cách cải tiến mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất lượng. Và niềm vui đã đến, năm 1993 sản phẩm phích nước Rạng Đông lần đầu tiên lọt vào danh sách TOP TEN mười mặt hàng tiêu dùng Việt Nam yêu thích nhất, sản phẩm bóng đèn được người tiêu dùng ưa chuộng. Công ty bắt đầu làm ăn có lãi, bắt đầu có tích lũy cho đầu tư phát triển.

Đánh giá được chủ trương tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường của Nhà nước, năm 1998 TGĐ. Nguyễn Đoàn Thăng và ban lãnh đạo đã quyết định mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất đèn HQ T8 hiện đại, bắt đầu tiếp cận nghiên cứu sản xuất đèn compact tiết kiệm điện, để tới năm 2000 sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm compact đầu tiên mang thương hiệu Rạng Đông. Mặc dù sản lượng tiêu thụ mỗi năm chỉ hơn 30 ngàn sản phẩm, chi phí ban đầu lớn, nhưng công ty không dừng lại mà vẫn quyết tâm đi theo định hướng sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện. Cụ thể là năm 2001 Rạng Đông đầu tư Phòng thí nghiệm hợp chuẩn quốc gia TCVN 17025: 2001 –là Phòng thí nghiệm đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam ở thời điểm đó – và tới năm 2003 Rạng Đông quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất đèn compact hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. 

Vì vậy khi Nghị định 102/2003/NĐ-CP của Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ra đời tạo điều kiện cho thị trường bóng đèn tiết kiệm điện bùng nổ thì cũng là lúc Rạng Đông đã có đầy đủ cơ sở vật chất, kinh nghiệm để sản xuất ra những sản phẩm bóng đèn tiết kiệm điện chất lượng, giá cả phù hợp. 

Năm 2006, Việt Nam chính thức gia nhập WTO khiến các sản phẩm trong nước đối diện với tình trạng cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu của nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển sang lắp ráp linh kiện nhập khẩu, chỉ việc đóng dấu, bao gói rồi kinh doanh để hưởng lợi. Đây cũng là giai đoạn nền kinh tế đang phát triển nóng khiến nhiều doanh nghiệp đổ xô đi đầu tư đa ngành. Trước những sức ép từ thị trường và sức ép của những cổ đông chạy theo lợi ích trước mắt đòi hỏi công ty đầu tư sang các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, thì TGĐ Nguyễn Đoàn Thăng cùng Đảng ủy, Ban TGĐ tổ chức Hội nghị công nhân lao động các cấp, lấy ý kiến biểu quyết, nhất quyết chỉ tập trung vào thế mạnh của mình là sản xuất bóng đèn, phích nước. 

Với mục tiêu như vậy, Rạng Đông đã quyết định thực hiện tái cấu trúc toàn diện công ty, trước tiên là tái cấu trúc về sở hữu vốn, từ 100% vốn nhà nước xuống còn 51% và xuống còn 20,6%. Công ty mở rộng cơ sở sản xuất xây dựng thêm cơ sở 2 ở Quế Võ, Bắc Ninh với diện tích 6,2 ha; đầu tư lò thủy tinh không chì, lò thủy tinh sodalime hiện đại, đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất bóng đèn CFL nâng cao sản lượng năng suất. 

Tầm nhìn chiến lược

Trong khi các doanh nghiệp trong nước khác còn đang khốn đốn đối phó với khủng hoảng kinh tế, TGĐ. Nguyễn Đoàn Thăng đã nhìn tới những thách thức xa hơn, khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, khiến hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh quyết liệt hơn nữa với hàng ngoại nhập, trong khi lợi thế cạnh tranh bằng nhân công giá rẻ sẽ không còn. 

Đứng trước thách thức này, ông và ban lãnh đạo công ty đã nhận thức rõ vai trò khoa học công nghệ đối với sự sống còn và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, từ năm 2006, Rạng Đông đã ký kết hợp tác toàn diện với Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam. Tiếp đến, năm 2010, ký kết hợp tác toàn diện với trường ĐHBK Hà Nội và gần đây nhất là ĐH Nông nghiệp I Hà Nội; đồng thời thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D của Rạng Đông. Chính sự liên kết giữa đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, trong đó ông Nguyễn Đoàn Thăng với vai trò “nhạc trưởng” đã thu hút được các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành về nguồn sáng, điện tử, hóa vật liệu, kỹ thuật chiếu sáng và các lĩnh vực khác, đem lại cơ hội giúp tập trung nghiên cứu phát triển các nguồn sáng mới chất lượng cao hơn, tiết kiệm hơn, thân thiện với môi trường hơn, và phục vụ những nhu cầu chuyên biệt mà thực tế phát triển xã hội đòi hỏi.

Trách nhiệm người đứng đầu

Nhìn lại những thành tích của Rạng Đông qua gần 23 năm tăng trưởng một cách bền vững và liên tục, TGĐ. Nguyễn Đoàn Thăng lý giải: “Có được như vậy là sự may mắn được làm việc trong một tập thể vững mạnh đoàn kết, đó là sức mạnh nền tảng cho sự phát triển. Càng như thế càng thấy mình phải có trách nhiệm với tập thể hơn”. 

Với cương vị của mình, một mặt ông phải liên tục đối diện với những thách thức phía trước để tìm cách bảo đảm cho sự phát triển nhanh và bền vững của công ty và quyền lợi tập thể người lao động. Chẳng hạn như gần đây, ông đã phải có giải pháp kịp thời khi Quyết định 51 của Chính phủ cấm sản xuất và lưu thông bóng đèn sợi đốt trên 60W, khiến 50% nhân công trong lĩnh vực này có nguy cơ bị loại trừ, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống gia đình người lao động; mặt khác ông phải cùng với tập thể Đảng ủy và  Ban Giám đốc xác định đúng đắn chiến lược phát triển của công ty trong từng giai đoạn nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội đang ngày càng đòi hỏi những thiết bị chiếu sáng có chất lượng và hiệu suất cao hơn, giúp tiết kiệm thêm nhiều năng lượng và tài nguyên; hay những sản phẩm – giải pháp chuyên dụng hữu ích phục vụ những nhu cầu cấp bách của các nhà nghiên cứu, hay những người nông dân, ngư dân, cùng nhiều những nhu cầu khác mà thực tế phát triển của đất nước đang đặt ra phía trước.

Đỗ Hải Minh - Tạp chí Tia Sáng số 12 

1900.2098