Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nông sản của người nông dân làm ra phải hạ được giá thành và nâng cao chất lượng để cạnh tranh trên thị trường thế giới, thậm chí phải cạnh tranh ngay trên “sân nhà” thì rất may đã có những nghiên cứu của doanh nghiệp “bắt tay” với nhà khoa học để giúp nông dân.
Đạt hiệu quả cao và giảm chi phí sản xuất
Ông Nguyễn Văn Trường, ở làng Đại Bái, xã Đại Thịnh, Mê Linh (Hà Nội) chia sẻ, “Sở dĩ người trồng hoa phải chiếu sáng ban đêm là để cây có đủ thời gian lớn đến chiều cao theo yêu cầu của khách hàng thì mới cho ra hoa. Nếu không chiếu đèn thì cây cúc sẽ ra hoa sớm khi thân cây còn thấp bé và hoa nhỏ sẽ không bán được cho khách hàng do không đạt yêu cầu về chiều cao và chất lượng hoa”, ông Trường chia sẻ.
Theo ông Trường, trong hai năm vừa qua, gia đình ông được tham gia chương trình thử nghiệm loại đèn mới do Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chế tạo để chiếu sáng cho các vườn hoa cúc bán thương phẩm. Đây là loại đèn compact công suất 20W có ánh sáng màu đỏ, sử dụng cùng với chao chụp thiết kế riêng cho đèn này. “Trong quá trình sử dụng chúng tôi thấy loại đèn này có tác dụng làm chậm sự ra hoa của cây cúc tốt hơn các bóng đèn tròn sử dụng trước đây, thân cây cao và mập hơn nên bông hoa cũng to hơn và đều”, ông Trường cho biết.
Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Hữu Yên là hộ dân trồng hoa cúc tại xã Tây Tựu, Từ Liêm Hà Nội chia sẻ, trong các vụ đông xuân năm 2014 và năm 2015, gia đình ông đã được sử dụng hệ thống thử nghiệm đèn compact đỏ của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chế tạo để chiếu sáng cho các vườn hoa cúc ngắt ngọn nhân giống và hoa cắt cành thương phẩm. Qua theo dõi quá trình sử dụng loại đèn này cho thấy, ánh sáng đỏ của đèn có tác dụng rất tốt cho việc khống chế, làm chậm sự ra hoa của cây cúc.
“Trước đây gia đình tôi sử dụng loại đèn tròn công suất 60W để chiếu sáng, phải chiếu 8 đến 10 tiếng mỗi đêm. Như vậy với mỗi sào lắp 60 bóng đèn phải tốn 35 số điện mỗi đêm, mỗi vụ mất hơn 2.000 số điện. Khi sử dụng đèn compact đỏ 20W của Rạng Đông lắp 60 bóng mỗi sào chỉ cần thắp 3 đến 4 tiếng mỗi đêm, tốn 4,2 số điện, cả vụ chỉ tốn 250 số. Tính ra mỗi vụ một sào hoa tiết kiệm được khoảng 1.700 số điện, giảm được 85% điện năng, tiết kiệm được hơn 3 triệu tiền điện, nghĩa là tiết kiệm gần 30 triệu tiền điện cho mỗi mẫu trồng hoa”, ông Yên cho biết. Cũng theo ông Yên, loại đèn mới có chao chụp rất thuận tiện khi treo lắp và chịu được mưa nắng, sử dụng bền hơn không hay bị cháy hỏng khi trời mưa như bóng đèn tròn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ có ông Trường, ông Yên mà đã có hàng trăm hộ nông dân trồng hoa cúc, trồng thanh long đã ứng dụng bóng đèn chuyên dụng của Rạng Đông vào sản xuất, đem lại hiệu quả cao, giảm được chi phí cho sản xuất.
Kiến nghị nhân rộng kết quả nghiên cứu
Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông cho biết, những niềm vui của người nông dân có được “quả ngọt” như trên chính là nhờ vào cái “bắt tay” giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học để triển khai đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp”. Đề tài này thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia, do Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chủ trì, phối hợp với Viện Sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (Đại học Bách Khoa Hà Nội), Viện Sinh học Nông nghiệp Tất Thành (Đại học Nguyễn Tất Thành) triển khai từ năm 2013 với tổng kinh phí hơn 27,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 13,9 tỷ đồng và vốn đối ứng của doanh nghiệp cũng hơn 13,9 tỷ đồng.
Đánh giá về kết quả của đề tài này, NGND.GS.TS. Nguyễn Quang Thạch – Nguyên Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp cho biết: Chúng tôi luôn khao khát có được những thiết bị chiếu sáng chuyên dụng cho lĩnh vực nghiên cứu nuôi cấy mô nhưng bao nhiêu năm nay vẫn chỉ sử dụng thiết bị chiếu sáng dùng cho sinh hoạt nên không đạt hiệu quả cao và tốn kém năng lượng. Bây giờ đã có kết quả nghiên cứu của dự án này, bao nhiêu mong mỏi của chúng tôi đã được giải thoát vì đã có nguồn sáng chuyên dụng cho phòng nuôi cấy mô và đặc biệt là thành công của nghiên cứu chế tạo ra nguồn sáng có tính ứng dụng cao để điều khiển sự ra hoa của hoa cúc, điều khiển ra hoa của cây thanh long và tới đây sẽ còn nhiều cây trồng tương tự khác”, ông Thạch nói.
Cùng chung quan điểm trên, ông Đinh Văn Thanh – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN và môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết “Chúng tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài này, giúp nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm cho người nông dân. Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm nghiệm thu đề tài và có đề xuất để Bộ NN&PTNT công nhận là Tiến bộ kỹ thuật , từ đó đẩy nhanh việc triển khai ứng dụng kết quả của đề tài này trong thực tiễn để giúp bà con nông dân ứng dụng vào sản xuất” ông Thanh nói.
Thanh Xuân - Báo Nông thôn ngày nay
Box:“Qua 2 năm thực hiện Đề tài cho thấy kết quả rất tốt, và được nông dân rất hoan nghênh bởi hiệu quả tiết kiệm điện đã đạt so với cam kết, trong nuôi cấy mô tiết kiệm 40% điện năng, đối với cây hoa cúc tiết kiệm 60% điện năng, đối với cây thanh long tiết kiệm 50% điện năng so với đối chứng”, Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông nói .
"Vấn đề bức xúc nhất của lĩnh vực nhân giống bằng nuôi cấy mô là chi phí về năng lượng phục vụ cho quá trình thắp sáng và làm mát chiếm đến 90% tổng năng lượng của một quy trình nhân giống. Qua nghiên cứu đối chứng hệ thống chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang có máng trên một số loài cây như ba kích, lan hồ điệp...kết quả cho thấy, dàn đèn mới có cường độ chiếu sáng mạnh hơn, ánh sáng tập trung nên cây hướng sáng mạnh, cây thường mọc cao, thẳng, phát triển mạnh ở ngọn, tiết kiệm điện năng (giảm 40% - 50%). Do vậy, có thể khẳng định đèn HQ NN B/R của Rạng Đông sẽ là giải pháp thay thế cho các phòng thí nghiệm nuôi cấy mô hiện nay" -Bà Ngô Thị Nguyệt - PGĐ Trung tâm khoa học sản xuất lâm nông nghiệp Quảng Ninh: Bức xúc nhất nuôi cấy mô là chi phí năng lượng
"Yêu cầu của đề tài là phải sản xuất được ở quy mô công nghiệp, có khả năng ứng dụng và có giá thành cạnh tranh để hướng tới thị trường. Qua nghiên cứu, chúng tôi khẳng định đến nay đã có thể tạo ra được nguồn sáng chuyên dụng trong nông nghiệp, đặc biệt là tuổi thọ của đèn rất cao. Đối với mẫu thử nghiệm đèn huỳnh quang, tuổi thọ đều đạt trên 10.000 giờ, còn đối với đèn chiếu sáng cho hoa cúc cũng có tuổi thọ trên 6.000 giờ". - PGS.TS. Đỗ Xuân Thành – Chủ tịch Hội đồng khoa học, Giám đốc khoa học Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông: Tuổi thọ của đèn rất cao
"Với sự liên kết của nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp và người sử dụng, khi tiếp cận báo cáo nghiên cứu này, tôi thấy đây là giải pháp khoa học tốt nên cần sớm đưa vào ứng dụng để triển khai sản xuất các mô hình rau sạch, thực phẩm sạch, an toàn. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều mô hình không chỉ sử dụng tiền vốn của nhà nước vào nghiên cứu mà dùng cả tiền của doanh nghiệp cho nghiên cứu nhưng lại có tính ứng dụng thực tiễn cao, đem lại hiệu quả cho người sử dụng, đặc biệt là cho nông dân". - PGS.TS Phạm Sơn Dương – Nguyên PGĐ Viện Khoa học Công nghệ Quân Sự: Thành công là có sự liên kết 4 nhà