Đồng hành đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất
Các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH và CN) có thể được nghiệm thu, đánh giá cao, nhưng thường gặp khó khăn khi đưa các sản phẩm vào trong thực tiễn. Qua một đề tài thuộc các chương trình KH và CN quốc gia, sản phẩm sau khi hình thành sẽ được đầu tư, phát triển để tạo ra sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có sức cạnh tranh.
Các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH và CN) có thể được nghiệm thu, đánh giá cao, nhưng thường gặp khó khăn khi đưa các sản phẩm vào trong thực tiễn. Qua một đề tài thuộc các chương trình KH và CN quốc gia, sản phẩm sau khi hình thành sẽ được đầu tư, phát triển để tạo ra sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt Nam có sức cạnh tranh.
Dẫn chúng tôi đến thăm khu vực nghiên cứu, chế tạo sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng cho cây trồng, PGS, TS Đỗ Xuân Thành, Phó Giám đốc Khoa học Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông (Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) cho biết: “Chúng tôi đã thành công khi chế tạo ra được một hệ thống chiếu sáng chuyên dụng, sử dụng các loại đèn huỳnh quang và được người nông dân tại nhiều địa phương đánh giá tốt. So với việc phải sử dụng các loại đèn thông thường trong nông nghiệp, sử dụng sản phẩm này sẽ giúp tiết kiệm từ 40% đến 70% điện năng đối với từng loại cây trồng”.
Cầm trên tay một bóng đèn, PGS, TS Đỗ Xuân Thành cho biết, đây chính là bóng đèn chuyên dùng CFL đỏ, được nông dân sử dụng để kích thích cho cây thanh long ra hoa trái vụ. Do cây thanh long chỉ hấp thu ánh sáng đỏ và đỏ xa, cho nên những năm trước, nông dân thường dùng loại bóng đèn tròn, bóng sợi đốt. Nhưng bằng việc sử dụng loại bóng CFL đỏ và với phương thức bố trí, mật độ, vị trí bóng đèn hợp lý sẽ giảm lượng điện năng rất nhiều mà vẫn bảo đảm cường độ ánh sáng cho thanh long. Sản phẩm được đưa vào thử nghiệm tại một số địa phương như Bình Thuận, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang... cho thấy, bóng đèn CFL ánh sáng đỏ đã phát huy hiệu quả, kích thích ra hoa cao hơn 60%, điện năng giảm 50% so với hệ thống cũ dùng đèn tròn 60W.
Hiện nay, nông dân tại nhiều địa phương đã biết tiếng và tìm đến các đại lý của công ty để tìm mua, khiến lượng “cầu” thị trường đã vượt xa lượng “cung”. Nhiều nông dân còn gọi điện thoại đến để tìm hiểu phương thức và quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng, sử dụng trong nông nghiệp để mang lại hiệu quả kinh tế hơn nữa.
Đèn CFL đỏ nêu trên là sản phẩm của nhiệm vụ “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và xây dựng quy trình sử dụng hệ thống chiếu sáng chuyên dụng trong công nghiệp nhân giống và điều khiển ra hoa của một số loại cây trồng với quy mô công nghiệp” được giao cho Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chủ trì, thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020.
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, hiện nay mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại đang ngày càng phát triển, với việc có nhiều loại cây trồng cần sử dụng nguồn chiếu sáng nhân tạo để tăng năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm nông nghiệp. Hiện nay, một số trang trại nông nghiệp công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP... đã phải nhập một số loại đèn LED với giá trị đầu tư lớn, chưa phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. Bởi lẽ, các cây trồng chỉ cần dùng một số phổ ánh sáng nhất định của nguồn sáng, nhưng có không ít đơn vị đang sử dụng các loại đèn thông thường để chiếu sáng trong hoạt động sản xuất, cho nên rất lãng phí nguồn sáng và điện năng tiêu thụ.
Do đó, Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã lựa chọn nghiên cứu đề tài nêu trên, với mục tiêu tạo ra sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng, phù hợp với trình độ và điều kiện nông nghiệp Việt Nam, kèm theo quy trình sinh học sử dụng phù hợp với một số đối tượng.
Mặt khác, theo PGS, TS Đỗ Xuân Thành, hầu hết các đề tài, dự án nhận nguồn kinh phí từ Nhà nước khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn thì gần như chỉ mang tính “trình diễn”. Các sản phẩm, giải pháp đều được đánh giá tốt, nhưng chưa giải đáp được câu hỏi: Ai sẽ là người tiếp thu kết quả nghiên cứu đấy, để tạo ra một chuỗi từ sản xuất đến cung ứng cho người tiêu dùng? Các sản phẩm được nghiệm thu thường không sử dụng được hoặc mặc dù tốt nhưng lại có giá thành quá cao so với thị trường…
Do đó, thành công của đề tài đến từ việc đơn vị đã lựa chọn được đối tượng nghiên cứu “có sức lan tỏa”. Tức là sau khi kết thúc việc nghiên cứu thì có đơn vị sản xuất, tạo ra sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng. Để làm được điều này thì nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu phải có doanh nghiệp cùng đồng hành để biến ý tưởng thành sản phẩm có thể ứng dụng được trong thực tiễn. Đây chính là điều làm nên thành công của Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, cũng như các chương trình KH và CN quốc gia khác, khi đã lựa chọn lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đầu tư, đổi mới và ứng dụng KH và CN.
Hiện nay, các đề tài, dự án sẽ thực hiện theo phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ căn cứ vào sản phẩm cuối cùng của công trình để thực hiện tạm ứng, quyết toán. Với những thay đổi này, các nhà khoa học sẽ được tháo gỡ phần nào những rào cản trong quá trình triển khai nghiên cứu, thực hiện đề tài, dự án có sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Nhật Minh - Báo Nhân dân - 20/1/2017