5 mẹo sử dụng ấm đun nước siêu bền và siêu an toàn
Ấm đun nước từ lâu đã trở thành đồ dùng thiết yếu trong căn bếp của mỗi gia đình bởi lợi ích mà chúng mang lại là vô cùng lớn. Tuy nhiên, sử dụng không đúng cách có thể khiến ấm nhanh hỏng hay thậm chí gây mất an toàn.
Dưới đây là 5 mẹo sử dụng ấm đun nước bền và an toàn bạn không nên bỏ qua:
1. Để lại 1 ít nước trong ấm (Khoảng 15ml)
Nhiều người có thói quen rót hết nước khỏi ấm sau khi đun sôi. Thói quen tưởng chừng vô hại này lại dễ dàng làm hỏng ấm. Bởi nếu quan sát thực tế, bạn sẽ thấy sau khi nước đạt 100 độ C, công tắc điện ngắt, nước vẫn tiếp tục sôi do mâm nhiệt của ấm vẫn còn nóng. Việc đổ ngay hết nước ra khỏi ấm có thể khiến mâm nhiệt dễ bị hư hỏng. Do vậy, khi rót nước sử dụng, bạn nên để lại khoảng 15ml nước và chờ khi mâm nhiệt nguội hẳn mới rót hết nước trong ấm.
2. Không để nước trong ấm nhiều ngày
Một thói quen khác nữa là nhiều người sau khi đun sôi dùng không hết tiếp tục để nước nguội trong ấm ngày này qua ngày khác, hết lại đun tiếp. Việc này khiến cặn đóng lại trong ấm, gây chóng hỏng mâm nhiệt và tốn điện do thời gian đun lâu. Bởi trong nước có chứa nhiều hợp chất canxi và magie, trong quá trình đun, các chất này phản ứng kết tủa, tạo thành cặn và đọng lại trong ấm. Do vậy, để ngăn ngừa đóng cặn, hãy đổ hết nước sau khi đun.
3. Đổ nước đúng vạch quy định của nhà sản xuất
Hầu hết các ấm đun nước nhà sản xuất đều thiết kế vạch ‘min’ và ‘max’ trên thân ấm để quy định lượng nước tối thiểu và tối đa. Việc đổ nước trên vạch ‘max’ và dưới vạch ‘min’ đều có thể gây hỏng ấm. Trường hợp dưới vạch ‘min’, nước sẽ bị cạn và đóng cặn khi sôi, dẫn đến ấm bị nóng và nhanh hỏng. Ngược lại, trên vạch ‘max’ khi sôi nước sẽ bị trào và chảy xuống dưới mâm nhiệt, gây chập cháy, hỏng ấm.
4. Thường xuyên vệ sinh ấm
Thường xuyên vệ sinh ấm đặc biệt là đáy ấm để loại bỏ các lớp cặn bám là điều nên làm bởi lớp cặn bám trong ấm không chỉ ảnh hưởng đến khả năng dẫn nhiệt của ấm mà còn có thể hấp thụ nhiều loại kim loại nặng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng. Để làm sạch cặn trong ấm, bạn nên cho nước ấm vào, thêm một chút giấm và để trong 20 phút. Sau đó, đổ nước đi và dùng một tấm mút xốp chà nhẹ để loại bỏ chúng.
5. Không sử dụng ngoài mục đích đun nước
Ấm đun nước được sản xuất để đun nước, nhưng một số người dùng đặc biệt là các bạn học sinh sinh viên thường sử dụng ấm để luộc rau, luộc trứng, nấu mỳ… Điều này khiến cặn đóng vào thành ấm và ấm nhanh chóng bị hỏng, thậm chí gây chập điện rất nguy hiểm. Để đảm bảo an toàn, chỉ nên sử dụng ấm để đun nước.
Trên đây là 5 mẹo sử dụng ấm đun nước siêu bền và an toàn. Nước đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, chiếm 70% cơ thể. Hãy sử dụng ấm đun nước để đáp ứng nhu cầu của nước cho cơ thể (1500 ~ 2500 ml/ngày) bất kể thời tiết nào và phục vụ bất kỳ đồ uống hay món ăn gì.
Tham khảo các loại ấm đun nước chất lượng, giá hợp lý tại đây!