Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, bà Nguyễn Thị Lý Anh - Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp cho biết, Dự án “Ứng dụng chiếu sáng nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao” mà Viện và Công ty đang hợp tác triển khai đã bước đầu mang lại những kết quả khả quan...

Qua quá trình nghiên cứu sử dụng, bà có thể cho biết những tính năng ưu việt trong các sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng của Rạng Đông so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện nay?

Thực tế cho thấy, hiện cũng có sự cạnh tranh về sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng cho nông nghiệp giữa Rạng Đông với một số sản phẩm cùng loại trên thị trường, như của Hàn Quốc, Trung Quốc... nhưng giá sản phẩm của Rạng Đông khá cạnh tranh. Chẳng hạn đèn LED T8 của Philip bán 500.000 đồng nhưng của Rạng Đông chỉ 305.000 đồng. Đèn chuyên dụng huỳnh quang T8 trong nuôi cấy mô trên thị trường hiện cũng có sản phẩm của Philip, Osram (nhập ngoại) cùng công suất, phổ ánh sáng tương đương, nhưng giá của Rạng Đông bao giờ cũng thấp hơn 10-15%.

 Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp Nguyễn Thị Lý Anh giới thiệu về hiệu quả chiếu sáng của sản phẩm Rạng Đông trong tăng cường khả năng nhân giống cây khoai tây.
Xin bà cho biết các sản phẩm đèn chuyên dụng cụ thể của Rạng Đông đã được Viện Sinh học nông nghiệp nghiên cứu và sử dụng?
Viện đã thử nghiệm đèn của Rạng Đông từ năm 2011 đến giờ và cho nhiều kết quả tốt. Cũng từ các nghiên cứu thử nghiệm của Viện, Công ty đã tạo ra nhiều sản phẩm tốt cho thị trường. 
Chúng tôi cùng với Rạng Đông nghiên cứu chế tạo 1 số loại đèn chuyên dụng cho nuôi cấy mô tế bào thực vật, đèn chuyên dụng cho chiếu sáng và điều khiển ra hoa của cây cúc, đèn chuyên dụng chiếu sáng ra hoa cho cây thanh long... Đó là phạm vi giới hạn của dự án mà Viện phối hợp cùng Công ty triển khai. Bên cạnh đó, Viện cũng sử dụng một số đèn Rạng Đông trong việc tăng cường khả năng nhân giống của cây khoai tây. 

So sánh trước và sau khi Viện nghiên cứu sử dụng các sản phẩm của Rạng Đông, bà có thể cho biết cụ thể hiệu quả thế nào?

Trước đây các cơ quan nghiên cứu thực ra chưa quan tâm nhiều đến sử dụng đèn chuyên dụng trong chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao, vẫn dùng đèn chiếu sáng thông thường trong chiếu sáng sinh hoạt hàng ngày. 

Tuy nhiên, từ khi sử dụng đèn chuyên dụng Rạng Đông, chúng tôi nhận thấy có ưu điểm lớn nhất là giảm chi phí sử dụng điện năng. Theo tính toán, do giảm sử dụng số lượng bóng, giảm phổ tỏa ra của tia hồng ngoại nên điện năng tiêu thụ giảm 30 - 50%. Giá thành chưa thể tính toán giảm được bao nhiêu nhưng riêng về chiếu sáng bằng đèn đã tiết kiệm được đáng kể. Mà riêng trong nuôi cấy mô, chi phí cho chiếu sáng chiếm tới 50 - 60% tổng chi phí. 

Tới đây, Viện có dự định gì để tăng cường hợp tác với Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông trong chiếu sáng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thưa bà?

Chúng tôi đã và đang hợp tác với Công ty triển khai dự án “Ứng dụng chiếu sáng nhân tạo trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”. Dự án đang tiến triển tốt và cho hiệu quả khả quan. Thời gian tới, Viện Sinh học nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với Rạng Đông trong việc sử dụng đèn LED - một loại đèn chiếu sáng tiết kiệm năng lượng hơn nữa trong nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng với một số loại cây trồng như thanh long, hoa cúc, khoai tây...
  
Xin trân trọng cảm ơn bà!