Vị thế của hàng Việt ngày càng được nâng cao
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chú trọng xây dựng và có sự đầu tư thích đáng cho công nghệ, sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngày càng nhiều sản phẩm hàng Việt Nam được người tiêu dùng thế giới tin tưởng
Nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng đến việc đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài nước ưu tiên sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, hạn chế phát thải carbon, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã đạt được thành tựu tăng trưởng trong những năm gần đây.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, bí quyết giúp Rạng Đông bứt tốc chuyển đổi số là sự kết hợp đúng đắn lực lượng hùng hậu các trí thức với đội ngũ kỹ sư công nghệ của công ty và các đối tác bên ngoài. Nhờ sự kết hợp đó, các lĩnh vực chiếu sáng thông minh, nhà thông minh của Rạng Đông phát triển rất nhanh. Rạng Đông cũng đã đưa AI vào hệ sinh thái sản phẩm, không chỉ điều khiển bằng điện thoại di động mà còn điều khiển bằng cả giọng nói, nhận dạng, hành vi…
Rạng Đông đã đưa robot vào 5 dây chuyền sản xuất. Trong kế hoạch năm 2024, dây chuyền nào đưa robot vào có thể làm tăng hiệu quả thì doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai. "Khi đó, nhà máy của Rạng Đông sẽ theo kịp rất nhanh với các đòi hỏi của thời đại" - ông Nguyễn Đoàn Thăng khẳng định.
Rạng Đông coi chuyển đổi số là công cụ không thể thiếu để tái cấu trúc chiến lược sản phẩm và đưa thương hiệu vươn xa trên trường quốc tế.
Hiện nay các nhà máy của Rạng Đông đều lắp đặt ứng dụng nhà máy thông minh, nên giá trị hàng tồn kho tại Rạng Đông đã giảm 30%, tiết kiệm chi phí lãi vay hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng… so với trước kia. Từ đó, các sản phẩm của Công ty đã đáp ứng yêu cầu đánh giá của các cơ quan chứng nhận quốc tế, đáp ứng các khách hàng "khó tính" như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… Ngoài ra, các lĩnh vực chiếu sáng thông minh, nhà thông minh của Rạng Đông cũng có sự phát triển.
Trong quý 1/2024, doanh thu của Rạng Đông đạt 2.837 tỷ đồng, tăng 32,74% so cùng kỳ, lợi nhuận thực hiện đạt 207,73 tỷ tăng 8% so cùng kỳ. Và từ đầu năm đến hết ngày 20/4/2024, doanh thu của công ty tăng 37% so với cùng kỳ.
Còn Công ty CP Gỗ An Cường cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, công ty đã nhận đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 11 và đơn hàng trong nước có đến hết tháng 8-9/2024. Việc xuất khẩu dưới thương hiệu của mình đã giúp doanh nghiệp thu được lợi nhuận tăng từ 3 – 4 lần so với gia công. Nếu như trước đây làm gia công, doanh nghiệp chỉ thu về lợi nhuận 2-3% trong tổng giá trị đơn hàng, thì nay tăng lên 8-10%.
Hiện tại, công ty tập trung vào 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật, trong đó thị trường Mỹ đã chiếm tới 85%. Doanh nghiệp tích cực tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài và đặc biệt ở Mỹ để quảng bá thương hiệu và tìm khách hàng. Mỗi năm, doanh nghiệp dành khoảng 3% trong tổng doanh thu để xây dựng thương hiệu.
Theo các chuyên gia, đây là những kết quả tích cực, có sức lan toả đối với các thị trường tiềm năng, qua đó, tạo động lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị trường hoặc giá trị thương hiệu ở những thị trường truyền thống, đồng thời tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới.
Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
Khẳng định giá trị, thương hiệu Việt Nam
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Trưởng Bộ môn Quản trị thương hiệu (trường Đại học Thương mại), Chủ tịch Hội đồng cố vấn Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, thương hiệu chính là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình xây dựng thương hiệu và mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Trong bối cảnh thị trường thế giới và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nhưng cũng có những khó khăn, thách thức lớn, thì doạnh nghiệp thậm chí còn bị đào thải nếu không quan tâm phát triển thương hiệu.
"Vào bất kỳ thị trường nào, dù lớn hay nhỏ cũng đều có nguyên tắc cơ bản là hiểu được quy định pháp lý cùng những hệ thống rào cản mà các thị trường này đặt ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải hiểu được xu hướng thị trường để có cách phát triển kinh doanh", PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh cho hay.
Theo các chuyên gia, xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ và phải luôn đổi mới; xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với quản trị thương hiệu. Đặc biệt, doanh nghiệp phải khắc phục tư duy hàng tốt xuất khẩu, hàng kém bán trong nước; chinh phục người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, khép kín với sự phối hợp của hiệp hội ngành nghề và sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa thị trường và nhà nước.
Mặt khác, phải đáp ứng mọi yêu cầu chất lượng, giá cả và thỏa mãn thị hiếu đa dạng, ngày càng khắt khe, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần xây dựng niềm tin thương hiệu bằng chất lượng, giá trị sản phẩm; khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh, tận dụng mạnh mẽ thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu, kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, tạo giá trị gia tăng.
Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho sản phẩm chủ lực của Việt Nam, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, năm 2024 và các năm tiếp theo cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai chương trình, đề án phát triển thương hiệu ngành sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung phù hợp; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho chủ thể liên quan. Mặt khác, cần đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và tuyên truyền, quảng bá sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng tại thị trường quốc tế. Đặc biệt, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải thực hiện cả ở 3 cấp độ thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương, ngành hàng và thương hiệu doanh nghiệp.
Nguồn: https://vnanet.vn