Đó là kết quả của sự hợp lực trong triển khai Team Work giữa các thành viên  đơn vị: Ngành lắp ráp LED 2  - Ngành Công nghệ phụ trợ - Ban Quản lý chất lượng - Ban Thiết kế kỹ thuật khi thực hiện chương trình cải tiến dây chuyền lắp ráp đèn bàn ốp trần chiếu thẳng đế nhựa chuyển từ bắt vít sang hàn nhiệt.

 

Anh Nguyễn Văn Điệp – Tổ lắp ráp đèn ốp trần, Ngành lắp ráp LED 2, thành viên nhóm sáng kiến chia sẻ:
Với cách làm cũ, sử dụng công nghệ bắn vít tốn nhiều nhân công lao động. Mỗi đèn cần 10 vít để bắt vào mạch với nhau. Các loại đế ốp trần hiện chưa có vấu định vị modul LED, công nhân phải mất nhiều thao tác tìm lỗ để bắn vít, năng suất lao động thấp, thời gian làm việc nhiều.

 

Trước yêu cầu của xưởng về việc nâng cao năng suất dây chuyền lắp ráp ốp trần lên 20%, giảm giá thành, giảm thời gian kết thúc ca làm việc, Team triển khai chương trình nâng cao  năng suất dây chuyền lắp ráp đèn ốp trần đế nhựa chiếu thẳng với các thành viên thuộc Ngành công nghệ phụ trợ, Ngành lắp ráp LED 2, Ban Quản lý chất lượng, Ban Thiết kế kỹ thuật đã được thành lập.

 

Anh em ở các bộ phận đã đưa ra rất nhiều các đề xuất sáng kiến cải tiến. Những đề xuất cải tiến dù là nhỏ nhất của anh em đưa ra, cũng đều được đón nhận và đưa lên thảo luận trước nhóm tự động hóa của xưởng. Anh Nguyễn Hoàng Khôi – Lead Team Chương trình tự động hóa của xưởng cùng với các thành viên ngồi lại với nhau để đánh giá, phân tích tính khả thi của từng sáng kiến để lựa chọn được phương án tối ưu nhất.

 

Qua quá trình thảo luận, cải tiến liên tục và nỗ lực không ngừng, phá bỏ mọi rào cản, mọi khoảng cách giữa cấp trên – cấp dưới, giữa các thành viên thuộc các bộ phận chức năng khác nhau, mọi thông tin đều được thông suốt, chỉ trong thời gian chưa đến 2 tuần, cả Team đã tìm ra phương án thay công nghệ bắt vít bằng phương án hàn nhiệt để định vị PCB LED để giảm giá thành và nâng năng suất lao động

Ngành công nghệ phụ trợ tiến hành sản xuất thử nghiệm sản phẩm bằng công nghệ hàn nhiệt.

Sản phẩm thử nghiệm được chuyển tới Ban Quản lý chất lượng để kiểm tra chất lượng có đảm bảo không.

Ban thiết kế kỹ thuật sẽ đánh giá việc thiết kế sản phẩm có đáp ứng được công nghệ hàn nhiệt không Ngành lắp ráp LED 2 sẽ tiến hành rà soát, sắp xếp lại sản xuất khi đưa công nghệ mới vào lắp ráp.

Kỹ sư Hoàng Anh Dũng - Ngành công nghệ phụ trợ: Sử dụng công nghệ bắn vít sẽ cần tới 6 lao động để thực hiện thao tác bắn vít. Nhưng khi chuyển sang hàn nhiệt, sẽ chỉ cần 2 lao động để vận hành máy hàn. Thao tác nhanh hơn, năng suất cao hơn và giảm thời gian lao động

 

Kỹ sư Trần Hồng Phúc - Ban Thiết kế kỹ thuật, Xưởng LED: Việc chuyển từ bắn vít sang hàn nhiệt thì các yêu cầu thiết kế sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được. Ban thiết kế kỹ thuật sẽ thiết kế lại mạch, đế nhựa để đảm bảo yêu cầu về chất lượng sản phẩm khi chuyển sang công nghệ mới.

 

Kỹ sư Nguyễn Bá Minh Ánh - Ban Quản lý chất lượng, X.LED: Sau khi hàn nhiệt, mũ vít được ép sát vào thân đèn không có hiện tượng cong vênh-lỏng, không có khe hở. Ban Quản lý chất lượng áp dụng theo tiêu chuẩn TCVN7722-1, tiêu chuẩn đánh giá các sản phẩm xuất khẩu Mỹ- Hàn Quốc về đánh giá phần kết cấu đã cho kết quả:Sốc nhiệt -20 độ/80 độ : 10 chu kỳ đạt yêu cầu. Treo vật nặng gấp 4 lần trọng lượng của PCB (vật cần đánh giá) đạt yêu cầu kiểm tra; Rung lắc đánh giá kết cấu trong quá trình sản xuất , vận chuyển 170v/phút trong 24h đạt yêu cầu. Ngoài ra, các tính năng đo thông số của đèn đều đạt về chất lượng.

 

Với mô hình hoạt động Team Work theo nguyên tắc: Không tường vách ngăn - Không khoảng cách giữa các thành viên trong Team - Không điểm chết, Team đã hoàn thành được mục tiêu tăng năng suất cho dây chuyền lắp ráp đèn LED ốp trần chiếu thẳng, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành và không phải tăng giờ làm.

Từ hiệu quả của chương trình này, Ngành công nghệ phụ trợ sẽ tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy hàn nhiệt để nhân rộng mô hình cho sản xuất các dòng đèn LED khác.