Kiên định con đường phát triển bằng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế, Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông đã thực hiện thành công 4 lần chuyển tầng công nghệ, từ đèn dây tóc sang đèn phóng điện áp suất thấp, sang đèn LED, từ đèn LED sang chiếu sáng thông minh lấy con người làm trung tâm HCL (điển hình như smart home).

Qua 5 năm chuyển đổi số (CĐS), chiến lược sản phẩm và dịch vụ, mô hình tổ chức và mô hình sản xuất kinh doanh, đội ngũ con người, Rạng Đông đã có bước trưởng thành đáng kể, từ một nhà máy sản xuất bóng đèn, phích nước truyền thống nay trở thành nhà máy sản xuất điện tử (sản phẩm của I-4.0+) trên các dây chuyền sản xuất hiện đại.

Thành công với chiến lược CĐS, nhưng khát vọng của Rạng Đông không dừng lại ở đó. Doanh nghiệp (DN) này đang đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành DN công nghệ cao, thương hiệu Rạng Đông vươn tầm khu vực và quốc tế; thực hiện thành công tiên phong chuyển đổi kép (Số và Xanh), dẫn đầu các không gian tăng trưởng mới tại Việt Nam là nhà thông minh (smarthome), thành phố thông minh (smartcity), trang trại thông minh (smartfarm); phấn đấu tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20 - 25%, lợi nhuận trên 100 triệu USD, thu nhập bình quân hệ số 1 đạt 2.000 USD/người/tháng.

6 đột phá chiến lược

Để thực hiện bước chuyển mình thích ứng với thời đại mới, từ nửa cuối năm 2023, Rạng Đông đã tiến hành 6 thử nghiệm đột phá chiến lược.

Chuyển từ CĐS sang chuyển đổi kép: Số và Xanh

CĐS và chuyển đổi Xanh là bạn đồng hành, bổ sung cho nhau. CĐS là phương tiện, công cụ với mục tiêu thực hiện chuyển đổi Xanh. Rạng Đông tiếp tục thực hiện vòng lặp 3 CĐS (đồng bộ hóa từng phần mở rộng, tiến tới đồng bộ hóa toàn phần), nhằm thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.

Hướng tới sản xuất Xanh, Rạng Đông luôn chú trọng tới yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất. Việc sử dụng công nghệ tự động hoá và robot hoá giúp Rạng Đông giảm thiểu việc lãng phí nguyên liệu, tiết kiệm năng lượng và giảm lượng khí thải, chất thải ra môi trường.

Đưa nhanh thành tựu I4.0+ (IoT, dữ liệu lớn, đám mây, tự động kết nối) vào tất cả mọi hoạt động

Đặc trưng của thời đại mới là mô hình phát triển bằng công nghệ, phát triển kinh tế tri thức, nhanh và bền vững, tập trung xây dựng đội ngũ thành thế hệ kinh doanh công nghệ, thành thạo hoạt động trên môi trường số và biết tương tác tối ưu hóa giữa thế giới thực và bản sao số. Do đó, Rạng Đông đã khẩn trương tăng tốc đưa các thành tựu của I4.0+,đặc biệt là là IoT, tích hợp sâu của AI vào tất cả lĩnh vực từ sản xuất đến mô hình kinh doanh.

Tái cấu trúc hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I4.0+

Lý luận về phát triển hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I4.0+ dựa trên nền tảng là nền sản xuất nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng quy mô lớn và hệ thống phân phối rộng khắp, kết hợp lõi công nghệ chiếu sáng và IoT để phát triển mở rộng sang các vùng lân cận tạo thành tháp sản phẩm với 6 lớp thực tế trong những năm qua khẳng định tính đúng đắn. Tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao của Rạng Đông đã tăng từ 0% lên 30% rồi tăng lên 45%, góp phần quan trọng nâng cao tốc độ tăng trưởng của DN.

Với dự báo của Finance Online tới 2030, 75% thiết bị trên toàn cầu sẽ là thiết bị IoT. Sự phát triển đột phá của công nghệ IoT được tích hợp sâu với AI thúc đẩy khả năng kết nối và tốc độ truyền tải dữ liệu của các thiết bị IoT.

Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu AI, chú trọng yêu cầu Plug & Play, 5 thuộc tính của hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I4.0+ được thể hiện đầy đủ nhất (thông minh hóa; cá thể hóa; nền tảng hóa và tạo ra dịch vụ dữ liệu; đồng sáng tạo cùng gia tăng giá trị với đối tác, khách hàng trong hệ sinh thái kinh doanh mở; xanh hóa), giúp cá nhân hóa trải nghiệm của người tiêu dùng, giúp thực hiện mục tiêu sản xuất xanh, sản phẩm xanh, tiêu dùng xanh, cuộc sống xanh.

Đặt mục tiêu tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao đạt 70% với quy mô doanh thu ngày càng lớn đòi hỏi Rạng Đông phải khẩn trương đầu tư nguồn lực lớn, ứng dụng AI và Plug & Play vào hệ sinh thái sản phẩm/dịch vụ I4.0+, nhằm từng bước nhanh chóng chuyển các giai đoạn của đường cong chấp nhận công nghệ mới.

Đẩy nhanh chương trình sản xuất và điều hành: Xanh - Thông minh - Linh hoạt - Quản lý chất lượng tin cậy đáp ứng yêu cầu xuất khẩu

Thứ nhấtđột phá mô hình kinh doanh giá trị.

Để thực hiện Nghị quyết 41-NQ/ TW và Nghị quyết 66/NQ-CP, phấn đấu trở thành DN dân tộc của Việt Nam thương hiệu tầm khu vực, dẫn dắt một chuỗi cung ứng, doanh thu tầm tỷ đô, tỷ suất lợi nhuận trên 10% phải đầu tư phát triển cả khâu đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), khâu thiết kế, tự sản xuất linh kiện chính, lắp ráp trên dây chuyền hiện đại do Việt Nam chế tạo. Khâu bán hàng chuyển từ hình ống (pipe-line) sang mô hình kinh doanh số (DBM), chuyển từ kinh doanh sản phẩm sang kinh doanh dịch vụ, trải nghiệm khách hàng trong hệ sinh thái kinh doanh dựa trên nền tảng (PBE).

Trong mô hình kinh doanh giá trị, thực hiện các nhánh trái và nhánh phải có giá trị gia tăng cao, vượt qua đại đa số các đối thủ khác chủ yếu nhập linh kiện, lắp ráp phụ thuộc nước ngoài là khâu có giá trị gia tăng thấp nhất.

Thứ hai, tiếp tục chương trình CĐS theo tiêu chuẩn ISA-95 nâng cao hiệu quả các mục tiêu Zero Defekt, Justin-time; chú trọng phát triển các khâu bên trái biểu đồ mô hình kinh doanh giá trị; nâng cao hiệu quả trung tâm số của xưởng sản xuất.

Thứ ba, tự động hóa, robot hóa, thông minh hóa các dây chuyền sản xuất, nhằm giảm định biên lao động, nâng cao năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (theo sản phẩm và theo giá trị). Đồng thời chú trọng nâng cao hiệu suất sử dụng robot. Đối với sản xuất các sản phẩm xuất khẩu yêu cầu cao, chú trọng yêu cầu truy xuất nguồn gốc và độ tin cậy cả lô hàng.

Thứ tư, chú trọng ứng dụng robot trợ lý ảo nghiệp vụ (RPA), ứng dụng công nghệ thông tin trong các tác vụ hàng ngày.

Thứ năm, chương trình CĐS phải chú trọng các mục tiêu sản xuất xanh, từng bước đạt các chỉ tiêu cụ thể của sản xuất xanh là hộ chiếu cho sản phẩm Rạng Đông đi ra thế giới.

Thực hiện mô hình DBM và tăng tỷ trọng doanh thu cung cấp cho các công trình/dự án

Mục tiêu đặt ra là trong năm 2024 - 2025 sẽ hoàn thành mô hình đa kênh (Mô hình ống pipe-line và công nghệ số); đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ - tin cậy, uy tín; Đầu tư phát triển 3 phương thức bán hàng vận hành đồng bộ và đẩy mạnh phát triển phương thức thương mại điện tử

Hệ thống trực tiếp (off-line) thúc đẩy nhanh ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động nhằm giải phóng nguồn lực tiến tới hình thành 2 hệ thống tương đối độc lập và hoạt động đồng bộ, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh nội dung, từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh trải nghiệm khách hàng; đẩy mạnh chiến lược mobile hóa.

Rạng Đông cũng chú trọng phát triển mạnh sản xuất mô-đun, mở rộng các đối tác trong hệ sinh thái đa kênh, kết nối trên nền tảng công nghệ RalliSmart. Chuẩn bị tiền đề từ 2025 phát triển mô hình kinh doanh nền tảng và hệ sinh thái kinh doanh dựa trên các nền tảng số (PBE).

Xây dựng nguồn nhân lực thế hệ mới, chuẩn bị mô hình tổ chức - hoạt động mới, kế thừa và phát triển bản sắc văn hóa Rạng Đông thời đại số

Rạng Đông cũng chú trọng xây dựng nguồn nhân lực thế hệ mới, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp và nhân tài số, nâng năng lực số toàn công ty, phát triển thế hệ kinh doanh công nghệ.

Về việc chuẩn bị mô hình tổ chức - hoạt động mới, DN dịch chuyển từ cấu trúc phân tầng chức năng sang cấu trúc mạng lưới phẳng phân lớp dựa trên các đội nhóm sáng tạo - tự chủ theo mô hình T-Shape, OKR, Agile; từng bước thúc đẩy tự chủ hóa, tiến tới hình thành công ty con trong tổng công ty, hoạt động theo mô hình nhóm công ty (group) hay tập đoàn.

Đồng thời, đẩy mạnh phát triển bản sắc văn hóa Rạng Đông trong thời đại số - văn hóa số gắn liền với đổi mới - sáng tạo, phát triển bộ Gen 6T+ của Người Rạng Đông.

Nguần: https://ictvietnam.vn/rang-dong-thich-ung-chuyen-minh-voi-chuyen-doi-kep-66942.html?zarsrc=30&utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo