Doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất đèn LED
Tiết kiệm năng lượng gắn với kinh tế xanh trong ngành công nghiệp chiếu sáng được xem là một xu hướng trên thế giới. Trong đó, giải pháp sử dụng đèn LED thay thế cho các loại đèn truyền thống hiện tại nhằm đáp ứng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng được nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm.
Rạng Đông là doanh nghiệp điển hình trong nghiên cứu, sản xuất LED bài bản
Trong đó, việc chủ động xây dựng phát triển năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của doanh nghiệp kết hợp với các Viện, trường Đại học để nghiên cứu cho ra đời những sản phẩm công nghệ chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng đang được xem là một giải pháp hữu hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Gần đây, mô hình hợp tác giữa Viện tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng đông (RALACO) được giới chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao bởi tính thiết thực và hiệu quả. Chỉ trong một thời gian ngắn hợp tác, ba quy trình công nghệ: Công nghệ thu hồi, xử lý nhằm tái sử dụng bột huỳnh quang ba màu pha tạp đất hiếm và thủy tinh không chì; Vật liệu và công nghệ phủ lớp vật liệu hỗ trợ khởi động nhanh cho đèn huỳnh quang xuất khẩu; Quy trình công nghệ tráng phủ lớp bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact, được các cán bộ của Viện nghiên cứu phát triển và chuyển giao thành công cho RALACO.
Các quy trình này được đưa vào thử nghiệm và ứng dụng thành công ở quy mô sản xuất thương mại giúp nhà sản xuất tối ưu được quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay thế nguyên vật liệu nhập ngoại, tiết kiệm – tái sử dụng nguyên vật liệu (ống thủy tinh và bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm, qua đó vừa tiết kiệm được kinh phí hàng chục tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp, vừa giúp giảm lượng rác thải ra môi trường).
Để nâng cao hiệu quả hợp tác, Viện AIST và RALACO xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu và xưởng thực nghiệm chung. Với sự kết hợp chặt chẽ này, nhiều vấn đề kỹ thuật công nghệ mà nhà sản xuất gặp phải được tháo gỡ. Một số vật liệu lâu nay phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài được nghiên cứu thay thế thành công bởi các vật liệu trong nước với giá thành thấp hơn nhiều lần, chẳng hạn như quy trình chế tạo keo gắn bầu đèn huỳnh quang compact quy mô 25 tấn/tháng được Trường Đại học Bách khoa HN chuyển giao cho RALACO có giá thành sản phẩm đầu ra chỉ bằng 30 - 40% giá thành nhập khẩu…
Đánh giá về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Mỹ Dung – đại diện Bộ Tài chính văn phòng phía Nam cho rằng nên giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm đèn LED để giảm giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Ngoài ra, bà Dung cũng đề xuất nên thành lập Quỹ môi trường để thu hút vốn đầu tư, phát triển công nghệ này ngay trong nước ta.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp