Cách Rạng Đông chuyển đổi kép, sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tri thức và phát triển bền vững
Rạng Đông đã chuyển từ doanh nghiệp (DN) sản xuất truyền thống trở thành công ty công nghệ cao, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống trong các chuỗi đơn lẻ lên kinh doanh đa kênh; chuyển từ nhà gia công, lắp ráp sang sản xuất module và từng bước hình thành kinh doanh nền tảng.
Thế giới kết nối, thông minh và tự động hóa
Tại workshop “Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh” chiều ngày 26/4, Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc, Trưởng ban chuyển đổi số (CĐS) Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết, cho biết trong thời đại ngày nay, công nghệ ánh sáng tích hợp với IoT (Internet of Things) và trí tuệ nhân tạo (AI), đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn trong nhiều lĩnh vực. Đây là một là hướng đi quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các hệ thống và ứng dụng thông minh, mở ra cánh cửa cho một thế giới kết nối, thông minh và tự động hóa.
“Khi các công nghệ này kết hợp, chúng tạo ra một hệ thống linh hoạt và thông minh có khả năng cải thiện hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tăng cường trải nghiệm người dùng và thúc đẩy sự phát triển bền vững”, ông Nguyễn Đoàn Kết cho biết.
Workshop “Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh”
IoT kết hợp với các cảm biến giúp thu thập, giao tiếp và trao đổi dữ liệu. Trong khi đó, công nghệ AI thực hiện các nhiệm vụ thông minh một cách tự động, nhờ phân tích, dự đoán và điều khiển các hệ thống tự động. Kết hợp IoT, công nghệ ánh sáng và AI ứng dụng trong nhà thông minh, nhất là công nghệ Edge AI và Tiny Machine Learning xử lý tại biên, các thiết bị như đèn, máy lạnh, camera an ninh được kết nối.
Tiny Machine Learning (TinyML) là công nghệ đề cập đến hướng nghiên cứu về học máy để tối ưu, nén các mô hình AI sao cho có thể chạy được trên các thiết bị nhúng nhỏ, yếu, hạn chế về tài nguyên tính toán và lưu trữ như vi điều khiển.
AI sẽ học và điều chỉnh theo cách mà người dùng mong muốn để tối ưu hóa tiện ích và tiết kiệm năng lượng. Các hệ thống chiếu sáng thông minh được trang bị cảm biến và kết nối mạng thông qua IoT, có khả năng tự động điều chỉnh cường độ, màu sắc và hướng ánh sáng dựa trên các điều kiện môi trường và yêu cầu của người dùng.
Ông Kết cho rằng tích hợp với AI, hệ thống có thể học và điều chỉnh theo cách mà con người sử dụng không gian, tạo ra một môi trường ánh sáng tốt cho sức khỏe và tiết kiệm năng lượng.
Khách tham quan tìm hiểu các sản phẩm của Rạng Đông
Trong đô thị thông minh (ĐTTM), cùng với hệ thống chiếu sáng công cộng, IoT kết hợp với AI cung cấp cơ sở điều hành qua các Trung tâm điều hành thông minh (IOC) giúp giám sát môi trường, giao thông, năng lượng…. AI phân tích dữ liệu này để tối ưu hóa lưu lượng giao thông, quản lý rác thải và tiết kiệm năng lượng, xây dựng các hệ thống chiếu sáng ĐTTM.
Các nguồn sáng được trang bị cảm biến và kết nối IoT có thể điều chỉnh độ sáng dựa trên lưu lượng giao thông hoặc sự hiện diện của người đi bộ, giúp tăng cường an ninh và tiện ích cho cư dân. Hơn nữa, công nghệ chiếu sáng có thể được sử dụng để truyền tải thông tin, như tin tức, cảnh báo hay hướng dẫn, qua các hệ thống chiếu sáng công cộng kết nối IoT, tạo nên một môi trường ĐTTM và tương tác.
Theo Statista, đơn vị nghiên cứu thị trường và dữ liệu người dùng hàng đầu trên thế giới, trong năm 2023, thị trường nhà thông minh (smarthome) Việt Nam đã đạt 275 triệu USD. Dự kiến đến năm 2028, con số này đạt hơn 500 triệu USD, tốc độ phát triển của toàn thị trường này được đánh giá ở mức nhanh với khoảng 12,3%/năm.
Xu hướng của các thiết bị smarthome là thông minh hơn, kết nối nhanh chóng và tốn ít năng lượng. Thời đại công nghiệp 4.0 phát triển, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như AI, để xử lý các vấn đề trong cuộc sống, đang được các hãng công nghệ trên thế giới chú trọng đầu tư.
Hướng tới chuyển đổi kép, sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tri thức và phát triển bền vững
IoT mở ra những tiềm năng lớn trong việc tạo ra các quy trình sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả. IoT không chỉ làm thay đổi cách mà các nhà máy hoạt động, mà còn tạo ra một môi trường sản xuất linh hoạt và kết nối, giúp tăng năng suất và giảm chi phí.
IoT cũng cho phép tích hợp dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau, từ sản xuất đến hệ thống cung ứng. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu thực tế và dự báo, từ việc tối ưu hóa quy trình sản xuất đến việc quản lý chuỗi cung ứng.
Mô hình sản xuất thông minh của Rạng Đông
Theo Trưởng ban CĐS của Rạng Đông, IoT kết hợp với AI mở ra cánh cửa cho các hệ thống sản xuất tự động hoàn toàn. Nhờ vào dữ liệu trực tuyến và khả năng kết nối với các hệ thống tự động, các nhà máy có thể tối ưu hóa sản xuất, giảm thiểu lỗi nhân công và tăng cường độ chính xác. Hệ thống tự động hóa có thể tự động kiểm soát các quy trình sản xuất từ việc lắp ráp đến đóng gói, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời cung cấp sản phẩm với chất lượng cao hơn.
Kết hợp giữa IoT và AI giúp phân tích và hiểu sâu hơn về dữ liệu thu thập được từ các cảm biến, có thể phân tích lượng dữ liệu lớn và đưa ra các dự đoán, khuyến nghị về cách cải thiện hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
IoT cũng làm cho quá trình sản xuất trở nên linh hoạt. Dựa trên dữ liệu về nhu cầu thị trường và tình hình sản xuất thực tế, các nhà sản xuất có thể thay đổi sản phẩm và dòng sản phẩm một cách nhanh chóng và linh hoạt. Nhờ vào sự kết nối giữa các máy móc và hệ thống, các dây chuyền sản xuất có thể tự động điều chỉnh để sản xuất các sản phẩm khác nhau mà không tạo ra sự gián đoạn lớn. IoT trong sản xuất còn nâng cao an toàn lao động, tăng cường hiệu suất và sự hài lòng của nhân viên.
Rạng Đông đã và đang tiến hành lộ trình CĐS với 3 vòng lặp, trong đó Vòng 1 (2020 - 2021) là Khởi động và số hóa; Vòng 2 (2022 - 2023) là Đồng bộ hóa từng phần; và Vòng lặp 3 (2024 - 2025) là Đồng bộ hóa từng phần mở rộng và đồng bộ hóa toàn phần.
Và trong năm 2024 này, Rạng Đông đang tiến hành đồng bộ hóa từng phần mở rộng và đồng bộ hóa toàn phần. Công ty hướng đến mặt bằng tăng trưởng mới, với mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 25% - 30%/năm.
Rạng Đông đã chuyển từ doanh nghiệp (DN) sản xuất truyền thống trở thành công ty công nghệ cao, chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống trong các chuỗi đơn lẻ lên kinh doanh đa kênh; chuyển từ nhà gia công, lắp ráp sang sản xuất module và từng bước hình thành kinh doanh nền tảng.
Nhằm xây dựng một hệ sinh thái và kết nối cùng các đơn vị, tổ chức khác trong chiến lược phát triển, ứng dụng các công nghệ mới này, tại workshop, Rạng Đông đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác như Trường Quốc tế, Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội, ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, Cổng thông tin hỗ trợ DN FTU, Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel - Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank).
Trong kỷ nguyên mới, lãnh đạo Rạng Đông đã khẳng định con đường chuyển đổi kép, gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, kinh tế tri thức và phát triển bền vững./.
Nguồn: Tạp chí Thông tin & Truyền thông - Bộ Thông tin và Truyền thông