Tiềm năng chiếu sáng công nghệ cao trong nông nghiệp và chăn nuôi
Ngày 13/01/2015, tại Công ty Rạng Đông đã diễn ra cuộc Tọa đàm “Nghiên cứu sáng tạo các nguồn sáng chuyên dụng thích hợp với gây nuôi, dẫn dụ hoặc tiêu diệt các loại động vật và vi sinh vật phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững”, do Hội các ngành Sinh học Việt Nam phối hợp với Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức. Buổi Tọa đàm đã thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Động vật học, Vi sinh vật… GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm.
Ngày 13/01/2015, tại Công ty Rạng Đông đã diễn ra cuộc Tọa đàm “Nghiên cứu sáng tạo các nguồn sáng chuyên dụng thích hợp với gây nuôi, dẫn dụ hoặc tiêu diệt các loại động vật và vi sinh vật phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và phát triển bền vững”, do Hội các ngành Sinh học Việt Nam phối hợp với Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức. Buổi Tọa đàm đã thu hút đông đảo các chuyên gia đầu ngành về các lĩnh vực Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Động vật học, Vi sinh vật… GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm.
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng – Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam chủ trì buổi Tọa đàm
Tiềm năng lớn
Trong những năm qua, cùng với những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ chiếu sáng, ánh sáng đã được ứng dụng nhiều hơn trong mọi mặt của đời sống và đặc biệt phát huy tác dụng trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, kích thích tăng trưởng, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.
Các minh chứng về ứng dụng của ánh sáng đối với cây trồng có thế thấy rõ nhất trong các ví dụ về trồng hoa cúc tại Đà Lạt, ánh sáng với bước sóng thích hợp giúp kìm hãm sự ra hoa, khi cây tăng trưởng đến độ cao nhất định, thời điểm nhất định mới thay đổi bước sóng để cây đơm hoa. Hay như trong ứng dụng trồng thanh long nghịch vụ tại các tỉnh phía Nam, điển hình là Bình Thuận. Ai cũng biết giá trị của thanh long nghịch vụ mang lại giá trị cao như thế nào. Và chiếu sáng với thời lượng thích hợp, trong khoảng thời gian nhất định có thể giúp người nông dân có được những trái thanh long thơm ngon nghịch vụ, giá rất cao. Nhiều người đã thoát nghèo và giàu lên nhờ trồng thanh long nghịch vụ.
Nhưng đó là đối với cây trồng, còn đối với vật nuôi, lĩnh vực này hiện còn bỏ ngỏ. TS. Nguyễn Thanh Sơn – Viện trưởng Viện Chăn nuôi cho biết, ánh sáng cũng có tác dụng rất lớn với vật nuôi, đặc biệt với quá trình sinh sản. Lâu nay, Việt Nam vẫn áp dụng các kinh nghiệm của nước ngoài, với kiến thức và nghiên cứu chưa đầy đủ, nhiều nơi vẫn chỉ làm theo kinh nghiệm. Chỉ ví dụ như với công nghệ mới là chiếu sáng ngắt quãng, năng suất đẻ trứng của gia cầm có thể tăng gấp đôi. Nhưng Việt Nam hiện chưa có những nghiên cứu này, hay nói đúng hơn, ngành chăn nuôi chưa được chú trọng đầu tư đúng mức theo hướng công nghệ cao mà vẫn manh mún, tự phát. Vì vậy, nếu có các nghiên cứu đầy đủ về chiếu sáng cho vật nuôi, thì ngành chăn nuôi có thể phát triển rực rỡ hơn rất nhiều.
Cùng tâm tư này, PGS.TS. Phạm Thị Vượng – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật chia sẻ, rất cần có những nghiên cứu về chiếu sáng để dẫn dụ côn trùng, bởi hiện nay, có nhiều loại côn trùng có khả năng thích ứng cao, dùng thuốc trừ sâu không thể giải quyết được, nhưng lại có thể dẫn dụ bằng ánh sáng để thu bắt. Bà Vượng đưa ra ví dụ về những đợt diệt trừ sâu bệnh tại các tỉnh phía Nam, bằng động tác rất thủ công, các cán bộ bảo vệ thực vật ra chợ, chọn các loại đèn về thắp trên ruộng sâu bệnh, qua theo dõi, thấy đèn ánh sáng tím thu hút được nhiều côn trùng hơn nên đã áp dụng hàng loạt và đã bắt được hàng chục tấn bọ hung, góp phần đảm bảo cây trồng cho bà con. “Nhưng nếu lúc đó, chúng tôi biết đến Rạng Đông thì chúng tôi đã đến để nhờ Công ty giúp đỡ, chứ không phải làm theo kiểu thủ công như vậy”, bà Vượng nói đầy tâm huyết.
PGS.TS Phạm Thị Vượng - Viện trưởng Viện bảo vệ thực vật
Nhưng không phải cứ dùng ánh sáng dẫn dụ, thu bắt côn trùng đã là giải pháp tốt. Quan trọng là phải biết sử dụng ánh sáng đúng bước sóng thích hợp với từng loại côn trùng, nếu không sẽ lâm vào tình trạng “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, tức là côn trùng có lợi cũng bị bắt chung với côn trùng có hại. Vì vậy, “nếu nghiên cứu điều chỉnh có chọn lọc về chất lượng ánh sáng, chủ động nguồn sáng và bước sóng thích hợp, chúng ta sẽ giúp cho việc tiêu diệt côn trùng an toàn và thân thiện hơn, tránh giết oan các côn trùng có lợi cho cây trồng” – GS.TS.NGƯT Nguyễn Viết Tùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh. Ông Tùng cũng đánh giá, trình độ sử dụng nguồn sáng ở Việt Nam mới chỉ ở mức độ thô sơ, tùy tiện, chủ yếu là tự phát, theo kinh nghiệm. Và do đó, khi Rạng Đông đặt ra vấn đề nghiên cứu nguồn sáng trong bảo vệ thực vật và chăn nuôi, ông đã thấy được những bế tắc chưa có lời giải trước đây có thể tìm được lối thoát.
PGS.TS. Ngô Vĩnh Viễn – Nguyên Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật đưa ra ý kiến, cần kết hợp ánh sáng tăng trưởng với các bẫy ánh sáng diệt trừ sâu bọ trong các mô hình nuôi trồng trang trại, nhà kính thì sẽ hạn chế được lượng thuốc trừ sâu phải dùng, góp phần xây dựng ngành nông, lâm nghiệp thân thiện môi trường. Ông Viễn cũng đưa ra ví dụ cách đây vài năm, Viện Bảo vệ thực vật đã phải mua của Trung Quốc nhiều bẫy ánh sáng với giá 1.500 USD/bẫy, thu bắt côn trùng hoàn toàn tự động. “Nếu như Rạng Đông có thể nghiên cứu được những cái bẫy như thế, tôi tin đây là thị trường tiềm năng và chúng tôi cũng sẽ thấy vui mừng vì không phải sử dụng đến các loại hóa chất diệt trừ sâu bọ những cũng gây hại cho môi trường”, ông Viễn cho biết.
Từ ý kiến của các nhà khoa học, có thể thấy một điều, nhu cầu về chiếu sáng công nghệ cao trong các lĩnh vực gây nuôi (như nuôi cấy mô…), dẫn dụ (như bẫy ánh sáng bắt côn trùng…), chăn nuôi (như tăng sản lượng sữa, trứng…), vi sinh vật (nuôi trồng tảo…) đang rất cao, nhưng người có nhu cầu và người có khả năng thực hiện nhu cầu đó, biến các ý tưởng thành sản phẩm cụ thể chưa gặp được nhau. Và cuộc Tọa đàm được tổ chức tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chính là cầu nối quan trọng để các nhà quản lý đưa ra ý tưởng cụ thể, Rạng Đông sẽ chắp nối các nhà khoa học để biến các ý tưởng đó thành hiện thức, góp phần đổi mới ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.
Sẵn sàng hợp tác
PGS.TS Đỗ Xuân Thành- Giám đốc khoa học trung tâm R&D Rạng Đông cho biết: hướng phát triển KH&CN của trung tâm R&D là hướng tới thực tiễn
Giám đốc khoa học Trung tâm R&D Rạng Đông – PGS.TS. Đỗ Xuân Thành rất phấn khởi với những thông tin quí giá mà các nhà khoa học, nhà quản lý cung cấp, cho thấy một nhu cầu cấp bách của thực tiễn mà trước đây Trung tâm chưa thể hình dung được, thì qua buổi Tọa đàm này đã thấy rất rõ nét. Tuy nhiên, ông Thành cũng thận trọng khi cho rằng, nhu cầu tuy nhiều, nhưng khả năng nghiên cứu thì có hạn, bởi qui mô nghiên cứu của Trung tâm là thuộc doanh nghiệp, nên sẽ chọn lọc các nghiên cứu để triển khai trước, đảm bảo 2 tiêu chí: Hiệu quả (cho người đặt hàng) và tính khả thi (cho người nghiên cứu). Ông Thành cũng nhấn mạnh, cần có sự hợp tác liên ngành thì các kết quả nghiên cứu mới nhanh và thực tế.
Về vấn đề này, PGS.TS. Phạm Thành Huy – Viện trưởng Viện Tiên tiến Khoa học công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, Viện đang hợp tác rất tốt với Rạng Đông trong việc chế tạo các chất phát sáng (bột phốt pho) theo yêu cầu đặt hàng. “Chúng tôi đã chủ động chế tạo được bột phốt pho, một thành phần để điều khiển ánh sáng từ trong vùng tử ngoại cho đến vùng hồng ngoại, nhưng chúng tôi không sản xuất được đèn mà công việc đó phải nhờ đến Rạng Đông. Ngược lại, đèn của Rạng Đông thì lại cần đến các nghiên cứu về chất phát sáng của chúng tôi. Sự phối hợp giữa hai đơn vị trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả cụ thể, có lợi cho cả hai phía”, ông Huy nói.
TGĐ Nguyễn Đoàn Thăng khẳng định: Qua ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, đã gợi mở một hướng nghiên cứu mới cho Trung tâm R&D Rạng Đông là triển khai các nghiên cứu về chiếu sáng trong chăn nuôi
Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng giám đốc của Rạng Đông khẳng định, qua ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý, đã gợi mở một hướng nghiên cứu mới cho Trung tâm R&D Rạng Đông là triển khai các nghiên cứu về chiếu sáng trong chăn nuôi. Những tiến bộ về chiếu sáng trong thời gian gần đây khi chuyển dần từ bóng đèn sợi đốt 100W xuống đèn compact 20W và nay là đèn Led 7-8W cho mức sáng như nhau đã là điều kỳ diệu. Vì thế, qua buổi Tọa đàm này, Công ty mong muốn các nhà khoa học, các nhà quản lý có sự kết nối, gặp gỡ để bàn sâu vào từng vấn đề. Vấn đề nào khả thi nhất, hiệu quả nhất sẽ ưu tiên làm trước, sau đó mới đến các nghiên cứu dài hơi. Về phía Công ty, Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cũng cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để các nhà khoa học và nhà quản lý có tiếng nói chung, hướng tới phát triển nền nông nghiệp chất lượng cao, thân thiện môi trường.