Bạn có đang gặp phải tình trạng khó ngủ và mất ngủ nhiều ngày dẫn đến kiệt sức và mệt mỏi, hay ngủ rất muộn vào ban đêm và khó thức dậy đúng giờ để làm việc không? Đây chính là lúc nhịp sinh học của bạn đang bị rối loạn.
Bởi tình trạng ngủ của bạn do “nhịp sinh học” bên trong cơ thể điều khiển. Đây có thể coi là đồng hồ 24 giờ điều khiển chu kỳ ngủ - thức của chúng ta. Nhịp sinh học ảnh hưởng đến mọi thứ từ việc điều chỉnh nồng độ các hormone cho đến các thói quen ngủ nghỉ, ăn uống, nhiệt độ cơ thể, sự tỉnh táo, khả năng phản ứng và cả quá trình trao đổi chất.
Vậy nguyên nhân gây rối loạn nhịp sinh học là do đâu? Đó là do sự ức chế hoặc thay đổi thời gian bài tiết của một loại hormone có tên gọi melatonin hay có thể gọi là “hormone buổi đêm”.
Melatonin giúp điều chỉnh giấc ngủ sinh l
Melatonin là máy tạo nhịp sinh học chính, giúp thiết lập nhịp điệu của cơ thể, đồng hồ sinh học trong não và điều hòa giấc ngủ tự nhiên của con người. Hormone này liên quan trực tiếp và gián tiếp đến việc điều hòa các quá trình nội tiết, thần kinh, miễn dịch và hành vi. Mục đích của nó là để đồng bộ hóa môi trường nội tiết tố với chu kỳ sáng-tối của môi trường bên ngoài. Nó chủ yếu được sản xuất và tiết ra bởi tuyến tùng và bị ức chế bởi ánh sáng theo cảm nhận của võng mạc.
Melatonin được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm và hạn chế ở mức tối thiểu vào ban ngày. Cụ thể, sự tiết melatonin bắt đầu tăng lên khoảng 9 giờ tối và đạt đỉnh khoảng 2 giờ sáng. Não sẽ ngừng sản xuất melatonin sau 7 giờ sáng. Việc tăng cường tiết melatonin vào buổi tối giúp bạn có được giấc ngủ ngon, thư giãn và tái tạo năng lượng cho ngày tiếp theo. Không chỉ vậy, việc tiết ra melatonin vào ban đêm góp phần tạo ra một cơ chế bảo vệ quan trọng giúp ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư trong cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự gián đoạn của nhịp sinh học có thể dẫn đến một số hậu quả tiêu cực như:
- Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ, ngưng thở khi ngủ
- Ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và tăng sinh tế bào
- Gây ra các bệnh béo phì, tiểu đường, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tim mạch, các vấn đề sinh sản và rối loạn cảm xúc theo mùa.
- Suy giảm chức năng của hệ thống miễn dịch, cản trở các đồng hồ gen liên quan đến các bệnh ung thư như ung thư vú, tuyến tiền liệt và ung thư đại trực tràng.
Vậy chúng ta có thể làm gì để hạn chế rối loạn nhịp sinh học?
Hãy thay đổi thói quen sử dụng máy tính hay điện thoại thông minh cho tới khi đi ngủ bởi sáng xanh từ các thiết bị này làm giảm lượng sản sinh hormone melatonin. Hay nói cách khác, tạo thói quen đi ngủ vào một giờ cố định và tránh thức quá khuya.
Cơ thể chúng ta được lập trình theo chu kỳ 24 giờ/ngày theo ánh sáng mặt trời. Thời xa xưa khi chưa có đèn điện, chúng ta thường đi ngủ vào lúc hoàng hôn và thức dậy vào lúc bình minh. Ngày nay với ánh sáng nhân tạo, chúng ta thường thức khuya để xem tivi, máy tính, điện thoại hay cố gắng hoàn thành nốt những công việc còn dở dang, khiến cơ thể khó nhận ra đã quá khuya để nghỉ ngơi vì bóng tối mới có thể giúp cơ thể tiết ra melatonin gây buồn ngủ.
Vậy nên, hãy cố gắng thiết lập cho cơ thể một nhịp sinh học điều độ để giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và hỗ trợ cải thiện sức khỏe tổng quát mỗi ngày bạn nhé!