Hợp tác nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ giữa Rạng Đông và các viện nghiên cứu: Một mô hình hiệu quả cần được nhân rộng

PGS.TS Phạm Thành Huy
Viện trưởng Viện trưởng Viện Tiên Tiến Khoa học và Công nghệ - Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội

Đặt vấn đề

Hợp tác giữa các viện nghiên cứu và công nghiệp là một thành tố ngày càng trở nên quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hiệu quả. Mặc dù, Việt Nam đã đạt được thành tích đáng kể về phát triển kinh tế và xã hội, và sự phát triển này đã giúp nâng cao thu nhập, giảm nghèo, và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người.

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang đứng trước ngã rẽ quan trọng, hoặc để mặc rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”  khi tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP giảm trong bối cảnh suy giảm chung của kinh tế toàn cầu, hoặc tìm được những giải pháp tích cực, để tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững. So sánh với các quốc gia trong khu vực, có thể nhận thấy để phát triển, Việt Nam cần phải tăng nhanh năng suất lao động, nhưng điều này chỉ có thể làm được thông qua đổi mới sáng tạo.

Trong khi, rất nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một cách đi hiệu quả để mở rộng, đa dạng hóa cơ cấu ngành hàng xuất khẩu; để tiếp cận với các mặt hàng, các dịch vụ công nghệ cao, có hàm lượng tri thức cao hơn, hầu hết còn đang mắc kẹt trong các hoạt động tạo ít giá trị gia tăng, sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông trong suốt 26 năm qua, phát triển mạnh ngay trong những năm đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế 2008-2010, là một ví dụ, một mô hình cần được quan tâm nghiên cứu, nhân rộng. 

Ở đây - trong “Mô hình Rạng Đông”, ngoài tầm nhìn chiến lược tinh tế của người lãnh đạo, ngoài những quyết định đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất ở những thời điểm phù hợp đón đầu được sự phát triển, việc chủ động hợp tác, tiếp cận với các viện nghiên cứu, trường đại học, trao niềm tin và đón nhận tri thức từ các nhà khoa học, đã giúp Rạng Đông trở thành đơn vị tiên phong trong công tác nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo. Rạng Đông đã thành công không chỉ trong việc tiếp nhận và ứng dụng nhiều kết quả R&D của các viện nghiên cứu và trường Đại học vào sản xuất, mà còn là đơn vị đi đầu trong việc tiếp nhận sự hỗ trợ của nhà nước và quốc tế trong thực hành và triển khai nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo.

GS. TS Nguyễn Trọng Giảng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phát biểu tại lễ Ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa Trường Đại học Bách Khoa và Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông ngày 21/4/2010

Phát triển bằng đổi mới công nghệ

Trở lại những năm đầu đổi mới 1986-1990, những doanh nghiệp sản xuất như Rạng Đông, do không có sự chuẩn bị trước, do công nghệ và phương thức quản lý lạc hậu, đã không chống chịu được làn sóng hàng giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng sản xuất ra không bán được, dẫn tới thua lỗ, có những thời điểm phải dừng sản xuất đến 6 tháng (năm 1988). Trong thời điểm đó, chỉ bằng cách tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại lao động, kết hợp với thay đổi cơ chế điều hành, phát huy nội lực và nhân tố con người, Công ty đã vượt qua khó khăn, bắt đầu làm ăn có lãi từ năm 1991.

Năm 1998 có thể được xem là năm bản lề quyết định sự thành công trong chiến lược đổi mới công nghệ của Rạng Đông, khi ban lãnh đạo Công ty đã đề ra chiến lược hiện đại hóa Công ty chuẩn bị cho thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện chiến lược này, trong một thời gian ngắn (3 năm từ 1998-2000), các dây chuyền cũ của Công ty được thay thế bằng các dây chuyền hiện đại, tính tự động hóa cao như đầu tư dây chuyền huỳnh quang số 1 (T5/1998), lò thủy tinh Hungary và máy thổi bóng P25 (T11/1998), 10 dây chuyền sản xuất mới (trong riêng năm 2000), lò thủy tinh, hai máy thổi phích tự động, dây chuyền ruột phích liên hoàn và dây chuyền sản xuất đầu đèn huỳnh quang Hàn Quốc  (T8/2000). Các dây chuyền huỳnh quang số 2 (hiện đại nhất Việt Nam), dây chuyền huỳnh quang compact cũng được đưa vào hoạt động trong năm 2000.

Chính chiến lược đầu tư mạnh và đầu tư chiều sâu vào công nghệ này, đã giúp Công ty chủ động về công nghệ để có thể đồng thời nâng cao năng suất sản xuất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo sự phát triển mạnh và bền vững trong suốt hơn mười năm tiếp theo khi mà các sản phẩm đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact của Công ty dần chiếm lĩnh được thị trường và trở thành sản phẩm sản xuất chủ lực, Công ty trở thành nhà sản xuất bóng đèn và phích nước lớn nhất trong nước, nhiều chủng loại sản phẩm đèn và phích nước đã xuất khẩu thành công đến nhiều nước trên thế giới, đáp ứng tốt mục tiêu hội nhập quốc tế ban đầu đặt ra.

 

Chuẩn bị cho thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, sẵn sàng đón nhận đầu tư phát triển KHCN mới, năm 2015 Rạng Đâu đầu tư mở rộng 20.000m2 đất tại nhà máy 2 Quế Võ, Bắc Ninh, nâng tổng diện tích lên thành 82.000m2. Ảnh: Lễ khởi công xây dựng Xưởng Phích nước tại nhà máy 2 KCN Quế Võ, Bắc Ninh ngày 5/5/2006

Phát triển bền vững bằng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Có hệ thống các dây chuyền sản xuất hiện đại, có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, kỹ sư giỏi và lành nghề, tuy nhiên quá trình sản xuất cũng bộc lộ nhiều những vấn đề kỹ thuật và công nghệ mà nếu không có nghiên cứu khoa học thì không thể giải quyết, trong khi những yêu cầu của thị trường về chất lượng sản phẩm ngày càng cao, cạnh tranh về giá cả với các sản phẩm nhập ngoại ngày càng khốc liệt, vấn đề nội địa hóa vật tư, vật liệu và công nghệ nhằm chủ động sản xuất và giảm giá thành sản phẩm ngày càng trở nên bức thiết.

Trên tinh thần chủ động tiếp cận các đơn vị nghiên cứu, và mở cửa các xưởng sản xuất đón nhận các nhà khoa học, từ những năm 2006-2007, Rạng Đông đã chuẩn bị sẵn một danh mục các vấn đề kỹ thuật và công nghệ mà Công ty muốn các đơn vị, các nhà nghiên cứu hỗ trợ, phối hợp cùng giải quyết. Điểm nhấn của quá trình xây dựng và phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ giữa Rạng Đông và các viện nghiên cứu và trường đại học, là các thỏa thuận hợp tác nghiên cứu và hợp tác toàn diện với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (năm 2006), Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 2010….

GS. TS Nguyễn Trọng Giảng cùng các cán bộ chủ chốt của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nghe báo cáo tại hiện trường về đề tài Thu hồi bột HQ 3 phổ tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Năm 2009 thỏa thuận hợp tác xây dựng phòng thí nghiệm nghiên cứu và xưởng thực nghiệm chung giữa Công ty và Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ (AIST) trong khuôn viên công ty, đã đánh dấu một mô hình hợp tác mới trong đó các nhà nghiên cứu có thể trực tiếp đến làm việc trong công ty, tiếp cận sản xuất để phát hiện vấn đề và cùng phối hợp nghiên cứu giải quyết. Với những chính sách và cách tiếp cận chủ động như trên, Rạng Đông đã tạo ra một trường “lý tưởng” cho các nhà nghiên cứu tiếp cận giải quyết những vấn đề thực tế sản xuất, đặt ra các bài toán nghiên cứu có đích ứng dụng cụ thể, và hơn hết đã đặt “niềm tin” vào các nhà khoa học. Trong một thời gian khá ngắn nhiều đề tài nghiên cứu phối hợp, nhiều hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao nghệ giữa Rạng Đông và các viện nghiên cứu đã được thực hiện thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao như đề tài phối hợp nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm ứng dụng trong chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact tiết kiệm điện (KC.02.10/06-10), hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thu hồi và tinh chế bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm, hợp đồng chuyển giao công nghệ chế tạo keo gắn bầu đèn huỳnh quang compact, đề tài nghiên cứu chế tạo dung dịch phủ hỗ trợ khởi động nhanh cho đèn huỳnh quang xuất khẩu với Viện AIST, đề tài phối hợp nghiên cứu và triển khai công nghệ chiếu sáng LED với Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam và Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Thông qua các đề tài và hợp đồng nghiên cứu này, nhiều công nghệ mới đã được ứng dụng trong sản xuất, một số vật tư sản xuất đã có thể nội địa hóa, bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm đắt tiền đã được tinh chế, đưa trở lại sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao cho Công ty đúng vào thời điểm căng thẳng nhất của cuộc chiến tranh đất hiếm khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm. Cũng trong giai đoạn này, với sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu và các nhà khoa học, Rạng Đông đã dần tiếp cận với các nguồn tài trợ của các nhà nước và các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho nghiên cứu, phát triển và đổi mới công nghệ như các dự án VEEPL, IPP, dự án nghiên cứu do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tài trợ. Kinh nghiệm từ hợp tác của Rạng Đông với các đơn vị nghiên cứu và cá nhân các nhà khoa học cho thấy không phải tất cả các đề tài nghiên cứu, các hợp đồng nghiên cứu chuyển giao công nghệ đều có thể đi đến thành công, tuy nhiên Công ty luôn đưa ra được những phương án giải quyết, hợp lý, đánh giá phù hợp mức độ đạt được và công sức của các nhà khoa học, từ đó rút ra bài học, định hướng lại nghiên cứu từ những thất bại. Chính cách làm việc này đã khuyến khích và giúp các nhà khoa học có được niềm tin và cảm nhận được sự trân trọng của công ty đối với tri thức khoa học và họ sẽ đồng lòng cùng Rạng Đông trên con đường nghiên cứu phát triển khoa học, công nghệ.

 

Tăng cường đổi mới sáng tạo trong Công ty theo mô hình doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo

Vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được thể hiện rõ nhất thông qua việc tạo ra những sản phẩm sáng tạo công nghệ, những sản phẩm mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, theo định hướng phát triển những công nghệ chiếu sáng mới nhất của thế giới, từ năm 2010 Rạng Đông đã quyết định đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ chiếu sáng rắn dùng điốt phát quang (SSL/LED) và các sản phẩm chiếu sáng chuyên dụng cho nông nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề tiết kiệm điện năng cho chiếu sáng nông nghiệp, thủy sản và chăn nuôi.

Cùng với định hướng này, một “consortium” hợp tác giữa Rạng Đông và các đơn vị nghiên cứu đã được mở rộng bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Hải dương học Nha Trang, Đại học Nha Trang, Đại học Đà Lạt, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế …các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học này đã hình thành nên bức tranh rõ nét của mô hình “Ba Nhà”:  Nhà Nước – Nhà nghiên cứu – Doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm mấu chốt để tăng cường đổi mới sáng tạo là ở chỗ cần đặt các doanh nghiệp theo đuổi việc đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển (R&D) của các trường đại học và các viện nghiên cứu vào trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, tạo động lực thực đẩy tăng trưởng và phát triển. Cần ưu tiên tăng cường năng lực sáng tạo nội bộ trong các doanh nghiệp – từ năng lực thiết kế, tới chế tạo, marketing, công nghệ thông tin và R&D. Chủ động thực hiện chiến lược này, nhằm phát triển nhanh công nghệ chiếu sáng rắn tháng 4/2011 Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Rạng Đông đã được thành lập.

Chỉ trong thời gian gần 5 năm, Trung tâm R&D chiếu sáng đã tập hợp được một lực lượng các nhà nghiên cứu rất mạnh gồm gần 80 người với chuyên môn sâu trong các lĩnh vực quang học, điện tử, vật liệu, thiết kế mô phỏng, thiết kế mỹ thuật, sinh học, nông nghiệp, thủy sản, quản trị doanh nghiệp….

Trung tâm đã xây dựng nền tảng hình thành công nghệ sản xuất LED & Điện tử, đã bước đầu hình thành một đội ngũ cán bộ nghiên cứu thiết kế, đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực hình thành Xưởng LED & Điện tử với 500 con người có năng lực sản xuất hàng chục triệu sản phẩm LED một năm. Nhiều sáng chế và giải pháp công nghệ đã được đăng ký dưới tên Rạng Đông. Hơn nữa, thực hiện vai trò là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, cho đến nay Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông đã chủ động đăng ký, là đơn vị chủ trì, kết nối và điều phối thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu lớn do Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân Hàng thế giới tài trợ (VBCF và ĐM.06.DN/13, FIRST). Ở đây cần nhấn mạnh, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, quyết định mạnh dạn và chủ trương đúng đắn của Rạng Đông hàng năm giành 2% doanh thu để đầu tư đổi mới các dây chuyền công nghệ hiện đại và giành 20% lợi nhuận sau thuế đầu tư phát triển tiềm lực khoa học công nghệ liên tục trong 10 năm qua là nguyên nhân chính của những thành công này.

Nhìn vào những con số phát triển ấn tượng của Rạng đông: 4 năm liên tục được các tổ chức xếp hạng Report Việt Nam, Forbes Việt Nam xếp hạng trong 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, một trong 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam. Nhìn vào doanh số năm 2015 với doanh thu đạt 2.998 tỷ, nộp Ngân sách 221,6 tỷ,  thu nhập bình quân 10,5 triệu/người/tháng, lợi nhuận thực hiện 127 tỷ, cổ tức 35%, có thể nhận thấy Rạng Đông đã thực hiện được và tốt mong muốn của Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân khi phát biểu tại buổi lễ vinh danh “Doanh nghiệp đổi mới - sáng tạo” lần thứ nhất: “Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển KHCN cho chính mình và đóng góp thông qua ngân sách nhà nước cho tiềm lực KHCN của đất nước. Chính Doanh nghiệp là nơi đặt hàng cho các cơ quan nghiên cứu, đồng thời chính là nơi tiếp nhận kết quả nghiên cứu của các Viện, trường và đưa vào SXKD tạo ra sản phẩm mới. Điều đó tạo mối quan hệ qua lại giữa doanh nghiệp và các trường”.

1900.2098