Liên kết mới, Ý tưởng mới, Thành công mới

NGND.GS.TS.Nguyễn Quang Thạch
Viện sinh học Nông nghiệp - Học Viện nông nghiệp Việt Nam

Một chiều mùa hè cách đây 5 năm, với  tư cách là một cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp, tôi được Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng mời đến công ty. Anh đang muốn nghe  tư vấn về chế tạo các thiết bị chiếu sáng phục vụ sản xuất nông nghiệp.  Lúc này, cụm từ “ Nông nghiệp công nghệ cao” đang còn rất mới mẻ.  Nhưng có thể nói, Công ty Rạng Đông mà người đứng đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng đã nắm bắt rất nhạy bén chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Anh  muốn mở một hướng đi mới cho Công ty Rạng Đông vốn chỉ sản xuất các sản phẩm phục vụ cho dân sinh sang hướng chế tạo các thiết bị chiếu sáng phục vụ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị hàng hóa cao. Việc làm này vừa góp phần phát triển Công ty vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao,  qua đó mở rộng ảnh hưởng của Công ty đến một thành phần xã hội rất lớn đó là những người nông dân.

Tôi cũng không ngờ từ cái buổi chiều hôm đó, những ý tưởng , những đam mê nghiên cứu điều khiển cây trồng theo ý muốn mà tôi hằng ôm ấp từ lâu nay được đón nhận, được chắp cánh thực hiện. Tôi và các đồng nghiệp của mình tại Viện Sinh Học Nông nghiệp Đại Học Nông Nghiệp Hà Nội (Học Viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay) trở thành người đồng hành, sát cánh với Trung Tâm R&D Rạng đông , dấy lên  một làn sóng  nghiên cứu mới đầy sôi động : Nghiên cứu chế tạo các thiết bị chiếu sáng phục vụ nông nghiệp công nghệ cao . Và hôm nay , những ý  tưởng, những mơ ước ngày nào  đã trở thành những sản phẩm khoa học chung,  được sản xuất  trân trọng đón nhận , được thương mại hóa rộng rãi .

Ý tưởng khoa học và đổi mới.

Ánh sáng là yếu tố quyết định đến sự sống, sinh trưởng, phát triển hình thành năng suất và phẩm chất của cây trồng.  Nếu không co ánh sáng thì không thể có sự sống trên trái đất bởi vì toàn bộ các sản phẩm mà con người sử dụng: lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, vải vóc,… tất cả đều là sản phẩm bắt nguồn từ quang hợp của cây xanh. Qua quá trình quang hợp, cây đã biến đổi năng lượng của mặt trời thành năng lượng hóa năng cho con người sử dụng. Xét cho đến cùng, ngành nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng thực chất là ngành “ kinh doanh năng lượng mặt trời” – con người làm thế nào để có thể lấy được hiều năng lượng nhất từ mặt trời !!!  Thông qua sự thay đổi chế độ chiếu sáng cho cây trồng chúng ta có thể làm thay đổi sự sinh trưởng, phát triển của cây, điều khiển sự phát sinh hình thái, sự ra hoa, năng suất và phẩm chất của cây. Trong nông nghiệp công nghệ cao đối với cây rau và hoa hầu như cây giống được nhân trong điều kiện nhân tạo (nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô), được trồng trọt trong các nhà có mái che (nhà lưới, nhà kính). Trong môi trường ấy việc chiếu sáng cho phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, cho cây sinh trưởng trong nhà kính, nhà lưới là yêu cầu bắt buộc. Mặt khác, trong thực tiến sản xuất một số sản phẩm hoa qủa đòi hỏi có sự điều khiển tạo sản phẩm trái vụ trên cơ sở đó nâng cao giá trị hàng hóa, đặc biệt ở các sản phẩm xuất khẩu. Điều thú vị là sự điều khiển tạo sản phẩm trái vụ này lại được thực hiện bởi ánh sáng đặc hiệu.

Chúng tôi đã trao đổi rất nhiều với  TGĐ Nguyễn Đoàn Thăng, PGS.TS. Đoàn Xuân Thành, PGS.TS. Phạm Thành  Huy (Viện Tiên Tiến Khoa học Công Nghệ Đại học Bách khoa - AIST)  và  đã cùng nhau thống nhất cần  tập trung nghiên cứu  cái tiến, chế tạo những thiết bị chiếu sáng vào những hướng ứng dụng chủ yếu sau:

  1. Thiết bị chiếu sáng cho các phòng nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô.
  2. Thiết bị chiếu sáng chuyên dụng nhằm xử lý điều khiển ra hoa trái vụ ( Cây hoa cúc và cây Thanh long).
  3. Thiết bị chiếu sáng phục vụ sản xuất rau, hoa an toàn trong nhà mái che (đang bắt đầu triển khai).

Sự cải tiến thiết bị chiếu sáng cho phòng nuôi cấy mô

Sự cải tiến thiết bị chiếu sáng cho phòng nuôi cấy mô

Hiện nay ở Việt Nam có hàng trăm phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để sản xuất cây giống bao gồm cây hoa cảnh, cây lâm nghiệp, cây nông nghiệp. Nhiều lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam bắt buộc phải sử dụng cây nuôi cấy mô như sản xuất hoa lan, sản xuất cây lâm nghiệp. Riêng tại tỉnh Lâm Đồng đã có tới gần 60 phòng nuôi cấy mô hàng năm cung cấp hàng triệu cây giống cho sản xuất và xuất khẩu. Riêng công ty Công nghệ Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt có 2 nhà nuôi cấy mô lớn, hiện đại với trên 500 giá nuôi cây (2500 tầng) mỗi năm  cung cấp 20-24 triệu cây giống ( hầu hết xuất khẩu sang châu Âu) . Vấn đề rất bức xúc của lĩnh vực nhân giống bằng nuôi cấy mô là chi phí về năng lượng. Chi phí cho năng lượng thắp sáng và làm mát phòng nuôi cây  chiếm đến 70% tổng chi phí  của một chu  trình nhân giống. Việc chế tạo được các thiết bị chiếu sáng có chi phí điện năng thấp, ít tỏa nhiệt,  cho chất lượng  cây và hệ số nhân giống cao là mục tiêu của các nhà nghiên cứu.

Cơ sở khoa học cốt lõi của ý tưởng cải tiến và đổi mới của Công ty Rạng đông là nắm chắc bản chất của tia sáng tới và khả năng hập thụ chọn lọc ánh sáng của cây. Như ta đã biết, ánh sáng là  bức xạ điện từ của năng lượng mặt trời có bước sóng từ khoảng 390-750 nm bao gồm các loại ánh sáng đơn sắc: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím  hợp lại. Trong khi đó cây chỉ hấp thụ được ánh sáng dùng cho quang hợp qua sắc tố diệp lục. Diệp lục chỉ hập thụ ánh sáng ở hai vùng chủ yếu là vùng ánh sáng xanh lơ (blue có bước sóng ~ 430nm) và vùng ánh sáng đỏ ( red có bước sóng ~ 660nm). Việc chế tạo đèn phát ra những tia sáng phù hợp với phổ hấp phụ của diệp lục sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng ánh sáng của cây và làm giảm năng lượng lãng  phí phát ra ngoài bước sóng mà cây cần. Các nhà nghiên cứu khoa học của trung tâm R&D công ty Rạng Đông đã nghiên cứu các phổ chiếu sáng của nhiều loại đèn khác nhau để tìm ra những hạn chế  của từng loại đèn mà đề xuất phương pháp khắc phục. Các tác giả đã phát hiện đèn huỳnh quang thường sử dụng trong các phòng nuôi cấy mô chỉ phù hợp cho mục đích chiếu sáng thông thường (theo mắt người có bước sóng tập trung trong khoảng 500-600nm), trong khi vùng ánh sáng đỏ (~660nm) là vùng diệp lục hấp phụ dùng cho quang hợp thì hầu như bị thiếu (ánh sáng đỏ có hiệu quả quang hợp rất cao. Ở cùng một cường độ chiếu sáng, nếu là ánh sáng đỏ thì hiệu quả quang hợp có thể tăng gấp đôi so với ánh sáng xanh (blue)).

Thông qua việc giải mã các loại đèn chuyên dụng trong nuôi cấy mô của các nước tiên tiên, thông qua việc nghiên cứu chế tạo thành công các lớp bột phủ bên trong ống  đèn cho phát huỳnh quang ra các tia có bước sóng mong muốn của Viện Tiên Tiến Khoa học Công Nghệ Đại học Bách khoa, Trung tâm R&D Rạng Đông đã chế tạo thành công  đèn huỳnh quang HQNN B/R có nguồn sáng với phổ thích hợp cho cây nuôi cấy mô.. Đèn đã được  Viện sinh học Nông nghiệp  ( HVNNVN)  đánh giá thử nghiệm trên  hàng loạt đối tượng : cây khoai tây, lan hồ điệp, lan Mokara, cây Trầu bà, cây hoa chuông , cây hoa cẩm chướng, cây hoa cúc, chuối tiêu hồng, keo lai, bạch đàn, …..  tại nhiều phòng thí nghiệm nuôi cấy mô của Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam (VNUA), của một số cơ sở nghiên cứu khác tại Quảng ninh, Đà lạt ,  TPHCM… Kết quả thử nghiệm đã  khẳng định:  sử dụng loại đèn mới chế tạo HQNN B/R đã cho sinh trưởng phát triển của cây nuôi cấy mô  tốt hơn nhưng giảm  được  40%. năng lượng điện tiêu tốn. Công ty Rừng hoa vốn rất nghiêm ngặt trong việc thay đổi thiết bị  chiếu sáng cho nuôi cấy mô  (vì sợ ảnh hưởng tới chất lượng cây giống xuất khẩu) , đã thừa nhận kết quả và đề nghị trang bị bóng mới cho toàn bộ xí nghiệp.

Ngoài ra, công ty Rạng Đông đã chế tạo được ra các balat điện tử thay thế cho balat sắt từ, giảm tiêu phí điện trên balat từ 13w xuống còn 3w, giảm được sự tỏa nhiệt qua đó giảm  năng lượng  làm mát cho phòng nuôi cây bằng điều hòa nhiệt độ. Việc thiết kế các chao chụp đèn cũng giúp tập trung bức xạ tối đa vào đối tượng cần chiếu sáng, tạo độ đồng đều chiếu sáng cao cũng đã được tiến hành và thu được kết quả: ánh sáng tập trung lên bình nuôi cấy mô đạt 70-75% . Trong khi,  không có chao chụp , lượng ánh sáng hữu ích chỉ đạt 25-30%.

Nghiên cứu chế tạo thiết bị chiếu sáng chuyên dụng nhằm xử lý điều khiển ra hoa trái vụ cho cây thanh long và cây hoa cúc

Quá trình ra hoa của thực vật là một quá trình sinh lý phức tạp, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, hai yếu tố ngoại cảnh cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến sự ra hoa của cây trồng đó là nhiệt độ và ánh sáng. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến vấn đề sử dụng ánh sáng trong điều khiển sự ra hoa trái vụ của cây trồng nhằm thu được hiệu quả kinh tế cao nhất.

*Về cây thanh long

 

Cây thanh long (Hylocereus undatus (Haw.) Britt. and Rose) thuộc họ Xương rồng có nguồn gốc ở các vùng sa mạc thuộc Mehico, Colombia và được phát triển ở vùng nhiệt đới trên thế giới. Thanh long được người Pháp đem vào trồng ở Việt Nam trên 100 năm nay, nhưng mới được đưa lên thành hàng hóa từ thập niên 1980. Tổng diện tích trồng thanh long ở Việt Nam năm 2015  khoảng hơn 35.000ha, trong đó ở Bình Thuận thanh long trở thành ngành trồng trọt mũi nhọn, xuất khẩu thanh long chiếm 1/3 GDP nông nghiệp tỉnh có tới 23.200 ha, Tiền Giang 4.052ha, Tây Ninh, Long An có 5.916ha và có một số diện tích đang trồng ở Thanh Hoá, Hải Dương, Hà Nội…

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thanh long tươi đạt 203,8 triệu USD (chiếm khoảng 25% giá trị trái cây xuất khẩu dạng tươi, khô, đông lạnh và tương đương 61,4% giá trị trái cây tươi xuất khẩu. Việt nam là nước sản xuất và xuất khẩu thanh long hàng đầu thế giới

Thanh long là cây ngày dài chỉ ra hoa trong điều kiện ngày dài ( đêm ngắn ) . Cây chỉ ra hoa kết quả bình thường trong điều kiện vụ xuân và vụ hè ( từ tháng 3 đến tháng 8 ).  Từ tháng 9 đến tháng 2 (vụ thu  và vụ đông ) là giai đoạn ngày ngắn ( đêm dài), muốn cây ra hoa được các vùng trồng đều phải chiếu sáng bổ sung  vào ban đêm . Bằng cách này,  sẽ  tạo được  thanh long trái vụ phục vụ thị trường tết có giá bán cao hơn nhiều lần so với chính vụ. Tùy theo giống và tùy vào tuổi của cây, thời gian chiếu sáng cho cây có thể kéo dài từ 15-21 ngày mỗi đợt, trung bình là 3 đợt/năm. Thời gian chiếu sáng mỗi đêm là 8-10 tiếng (từ 19 -21 h đêm trước  đến 5-6h sáng hôm sau). Với khoảng 18.000 hecta thanh long đang cho thu hoạch tại Bình Thuận nói riêng, để tránh ra quả ồ ạt cùng thời điểm, nông dân tiến hành chiếu sáng luân phiên khoảng 30% diện tích mỗi đợt tương ứng với khoảng 6.000ha, thì lượng điện năng tiêu thụ thực tế cho 1ha cây thanh long (nếu dùng đèn dây tóc) trong một đợt chiếu sáng là: 1.200bóng x 60W x 8giờ x 15đêm = 8.640 KWh/đợt, tương ứng với 26.000 KWh/năm (3 đợt).

Tổng lượng điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng cây thanh long nói riêng tại tỉnh Bình Thuận cho mỗi đợt chiếu sáng là 6.000ha x 8.640 KWh = 51.840.000 KWh (51.840 MWh) và tương đương 155.000 MWh một năm. Đây là số điện năng khổng lồ vượt qua khả năng cung ứng điện năng của ngành điện lực Bình Thuận. Hiện tượng này cũng xảy ra ở các vùng trồng thanh long khác như Tiền Giang, Tây Ninh, Long An,…Giải pháp tiết kiệm năng lượng thông qua nghiên cứu thiết bị chiếu sáng sẽ có ý nghĩa rất lớn cả về mặt chính trị lẫn kinh tế .

Dựa trên cơ sỏ phân tích sâu sắc về cơ chế của hiện tượng ra hoa được điều khiển bởi ánh sáng là do một phức hợp sắc tố - protein trong cây  gọi là phytocrom. Sắc tố này chỉ hấp phụ những ánh sáng rất chuyên biệt ở bước sóng rất cụ thể thuộc vùng đỏ (R) và đỏ xa (FR) và tồn tại ở hai dạng có thể chuyển hóa sang nhau. Ở một tỷ lệ đặc hiệu của hai dạng này thì cây sẽ ra hoa. Như vậy, việc sử dụng các đèn  có phổ ánh sáng không trùng với phổ hấp phụ của phytocrom  để điều khiển sự ra hoa sẽ  rất lãng phí năng lượng, thời gian chiếu đèn sẽ  kéo dài.  Dựa trên cơ sở khoa học này các nhà khoa học đã  chế tạo ra hàng loạt đèn compact mới  có phổ ánh sáng phù hợp với phổ hấp phụ của phytocrom. .  Sau hơn hai năm đánh giá , so sánh các loại đèn mới chế tạo từ Bình Thuận đến Tây Ninh , Tiền Giang  , các nhà khoa học đã xác định được đèn compact CFL- 20WNN R (R/FR = 10) cho hiệu quả xử lý tạo hoa trái vụ về cơ bản đúng như tính toán theo lý thuyết. Kết quả thử nghiệm  cho thấy đèn  compact CFL- 20WNN R (R/FR = 10) được xem là đèn chuyên dụng cho xử lý ra hoa thanh long. Sử dụng đền chuyên dụng thay thế cho đèn sợi đốt IL 60W đang dùng của nông dân cho phép tiêt kiệm  được 66% điện năng. Đèn đang được sản xuất hàng loạt để cung cấp theo yêu cầu của nông dân.

*Về cây hoa cúc

 

Hoa cúc là một loài hoa đẹp , được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Diện tích trồng hoa cúc  ở Việt nam ước tính khoảng 7000 ha. Trong đó ở Lâm đồng Đà lạt , 60% số hộ trồng hoa đều trồng hoa cúc. Như chúng ta đều biết , thị trường hoa của Việt nam chủ yếu sôi động vào dịp tết . Khác với thanh long,  cây hoa cúc là cây ngày ngắn ( đêm dài )  tức là cây dễ dàng ra hoa khi trồng trong vụ đông. Điều này gây ra những khó khăn cho cả việc nhân giống lẫn sản xuất hoa cúc thương phẩm. Bởi vì , hoa cúc nhân  giống bằng phương pháp giâm cành. Ngọn cúc được lấy từ cây mẹ để giâm, nếu ngọn cây mẹ có nụ thì không thể sử dụng làm cành giâm phục vụ nhân giống.

Mặt khác , trong sản xuất hoa cúc thương phẩm phục vụ tết cây giống vừa trồng xuống chưa kịp sinh trưởng đủ chiều cao đã gặp điều kiện thích hợp cho ra hoa . Cây sẽ cho cành hoa không đủ tiêu chuẩn thương mại. Chính vì thế trong sản xuất hoa cúc người dân thường phải chiếu đèn  vào ban đêm để ngăn cản sự ra hoa cho cả cây dùng để  lấy ngọn nhân giống cũng như cây trồng để lấy hoa thương phẩm. Thường ở vườn ươm cây giống phải chiếu dèn liên tục còn ở vườn sản xuất hoa thương phẩm  phải chiếu đèn mỗi đêm từ 8 đến 10 tiếng kể từ ngày trồng cho đến khi kết thúc khoảng 30 đến 40 ngày tùy giống. Sau khi ngắt chiếu sáng, lúc này cây đã sinh trưởng đủ chiều cao và thân lá , cây sẽ hình thành nụ và cho hoa. Trong sản xuất , nông dân thường dùng đèn sợi đốt có công suất từ 60-100W để chiếu sáng cho cúc . Các nhà chế tạo đã khảo sát các loại đèn đang sử dụng trong sản xuất hoa cúc  là đèn sợi đốt và đèn compact có tỷ lệ năng lượng  của vùng phát sáng có khả năng điều khiển ra hoa chỉ chiếm từ 1,73 đến 2,13% tổng năng lượng. Như vậy đã lãng phí rất nhiều năng lượng.  Với công suất lớn, thời gian chiếu sáng dài từ 8-10 tiếng /đêm  Việc làm này ,có thể nói rất lãng phí điện năng. 

Dựa trên cơ sở khoa học về học thuyết Phytocrom nêu trên, nhóm các nhà khoa học của Rạng đông và các chuyên gia đã chế tạo thiết bị chiếu sáng chuyên dụng, cải tiến được hệ thống chao chụp cho cây hoa cúc . Kết quả thu được là rất đáng khích lệ. Trên cơ sở đó đã chế tạo ra loại đèn compact 20W NN-R660 có phổ ánh sáng mới hoàn toàn phù hợp cho điều khiển ra hoa cúc .  Đèn đã được thử nghiệm ở những vùng trồng hoa cúc phổ biến trong toàn quốc , từ Tây Tựu, Mê Linh đến Đà lạt. Kết quả thử nghiệm cho thấy , sử dụng đèn mới chế tạo có thể làm tăng hiệu quả nhân giống , thời gian cắt ngọn làm cành giâm giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày, thời lượng chiếu sáng giảm từ 8h/đêm xuống 3h/đêm  ở Tây tựu và từ 8h/đêm xuống 6h.đêm ở Đà lạt. Trong sản xuất hoa thương phẩm sử dụng đèn CFLNN-R có thể tiết kiệm được thời gian chiếu sáng  từ 50% ( ở Đà lạt) đến  87 % ( ở Tây tựu) , phẩm chất hoa lại được tăng cường . Theo ông Nguyễn Đình Sơn chủ tịch Hiệp Hội Hoa Đà Lạt, giải pháp sử dụng  bóng đèn  chuyên dụng này , mỗi năm sẽ tiết kiệm cho nông dân sản xuất hoa cúc ở Đà lạt được 74 tỷ đồng.

Thay cho lời kết:

Có thể nói, trong suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học của tôi, giai đoạn làm việc với công ty Rạng Đông là giai đoạn hiệu quả nhất. Chỉ sau 5 năm đến với nhau, 3 năm đảm nhận đề tài chung, chúng tôi đã thu được một khối lượng sản phẩm nghiên cứu khoa học không nhỏ: 2 công trình đề nghị công nhận tiến bộ khoa học kĩ thuật, 2 bài báo được đăng tải ở tạp chí có uy tín trong nước, đào tạo được 3 kỹ sư nông nghiệp, 2 thạc sĩ và 1 nghiên cứu sinh…

Điều đáng nói hơn là kết quả nghiên cứu đã được đưa ngay vào ứng dụng trong thực tiễn sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, giảm chi phí điện năng rõ rệt (giảm 60-80% điện năng cho sản xuất hoa cúc và 60% cho sản xuất thanh long trái vụ). Lần đầu tiên,  các nhà nghiên cứu nông sinh học trong lĩnh vực trồng trọt  đã đề xuất và thực hiện thành công các  sản phẩm khoa học cho một doanh nghiệp công nghiệp. Những kết quả nghiên cứu này  phải đảm bảo độ chính xác , độ lặp lại cao để xí nghiệp có thể yên tâm thiết kế dây chuyền sản xuất hàng loạt. Đây là một áp lực và thách thức rất lớn cho các nhà nghiên cứu nông sinh học vốn làm quen với các đối tượng sinh vật sống  có các phản ứng rất  linh động  phụ thuộc vào điều kiện ngoại cảnh chứ  không chuẩn xác như những quy luật nghiêm ngặt trong vật lý của lĩnh vực công nghiệp.

Cũng có thể nói đây là kết quả của một sự liên kết hài hòa, đặc biệt ,  hiếm có mang tính chất đa ngành. Nhà nghiên cứu nông sinh học có trách nhiệm đề xuất những yêu cầu bức xúc của thực tiễn sản xuất , nêu được những giả thuyết có cơ sở khoa học chặt chẽ như những đề bài cho các nhà nghiên cứu chế tạo. Sau đó chính các nhà nghiên cứu nông sinh học phải tiến hành đánh giá tác động của các loại sản phẩm mới được chế tạo theo  đề xuất,  làm cơ sở cho việc định hướng nghiên cứu và ứng dụng tiếp tục.

Các nhà nghiên cứu vật lý cơ bản ( Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ Đại học Bách khoa) có trách nhiệm nghiên cứu sáng tạo ra các vật liệu đặc biệt phục vụ chế tạo thiết bị. Trong trường hợp này đó là việc chế tạo ra các loại bột dùng chế tạo đèn có khả năng phát ra các loại phổ ánh sáng đặc hiệu. Các nhà chế tạo thiết bị ( Trung tâm R&D Công ty Rạng Đông) có trách nhiệm sản xuất ra các loại đèn có hiệu quả cao  trên cơ sở có các vật liệu đã được nghiên cứu ở trên. Thiếu bất kỳ mắt xích nào trong sự liên kết này đều không thể cho sản phẩm nghiên cứu. Mỗi mắt xích nếu tách rời nhau cũng chỉ cho những kết quả hết sức riêng lẻ không có ý nghĩa ứng dụng. Và cũng phải nói thật nếu không có sự chi viện kịp thời về nguồn lực kinh tế của doanh nghiệp thì đề tài cũng không thể thực hiện đúng tiến độ và có kết quả nhanh chóng như đã tiến hành.  Sự liên kết đặc biệt trên, sự điều hành chặt chẽ mang tính công nghiệp, sự chi viện và ứng phó kịp thời của doanh nghiệp, lấy mục tiêu phải  có sản phẩm mới  và sớm thương maị  hóa được sản phẩm  chính là những điều khác biệt làm nên sức mạnh của một công trình nghiên cứu mang mầu sắc ngoài công lập.

Xin cảm ơn công ty Rạng Đông, ông Tổng giám đốc công ty Rạng Đông, các nhà khoa học Trung tâm R&D Rạng Đông, Viện Tiên tiến Khoa học và Công nghệ Đại học Bách Khoa đã cho chúng tôi một cơ hội hợp tác tuyệt vời.

Chúng tôi hy vọng vào sự liên kết đặc biệt  và hiệu quả này, chắc chắn còn nhiều ý tưởng mới, sản phẩm khoa học mới có giá trị sẽ được ra đời.

Ý tưởng mới, liên kết mới, thành công mới!

1900.2098