Khai thác nguồn lực tri thức để đổi mới doanh nghiệp
Cạnh tranh thời hội nhập kinh tế đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước đổi mới, nâng cao chất lượng trên nhiều phương diện. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và khoa học quản trị mang tính quyết định thành công của doanh nghiệp. Để làm được điều này, các doanh nghiệp đang tích cực khai thác nguồn lực tri thức từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học.
Rạng Đông áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất LED
Trong sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, những sản phẩm cũ, lỗi thời nhanh chóng bị thay thế, mất thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải liên tục nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Mới đây, trong cuộc tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững” tại Trường đại học Ngoại thương Hà Nội, Tổng Giám đốc của Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, khoảng mười năm gần đây, Công ty đã xác định, tri thức chính là mũi nhọn tiên phong để phát triển. Rạng Đông đã ký kết hợp tác toàn diện với Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam và hợp tác với gần mười trường đại học hàng đầu như Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học Đà Lạt, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường đại học Xây dựng Hà Nội… Sự hợp tác này đã đem đến hàng loạt các đề tài nghiên cứu thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao như đề tài nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang ba phổ pha tạp đất hiếm, đề tài chế tạo dung dịch phủ hỗ trợ khởi động nhanh, đề tài nghiên cứu và triển khai công nghệ chiếu sáng LED… Công ty thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chiếu sáng Rạng Đông vào tháng 4-2011. Từ đó đến nay, Trung tâm đã đảm nhiệm trọng trách là bộ não công nghệ của công ty, đóng vai trò quyết định tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Rạng Đông trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Trung tâm hiện quy tụ gần 90 nhà khoa học đến từ các trường, viện, học viện không chỉ nghiên cứu, thiết kế sản phẩm mà còn đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân, giúp Rạng Đông hình thành một cơ sở sản xuất mới trên nền tảng công nghiệp sản xuất LED và Điện tử. “Mấy năm qua, các sản phẩm nguồn sáng truyền thống cũ như đèn dây tóc, đèn huỳnh quang dần bị đèn LED thay thế, thị trường xuất khẩu suy giảm, nếu không kịp thời chuẩn bị và triển khai hiệu quả sản phẩm LED thành dòng sản phẩm chiến lược mũi nhọn thì công ty khó có thể tồn tại”, ông Nguyễn Đoàn Thăng chia sẻ.
Bí thư Đảng ủy khối Công nghiệp HN Doãn Trung Tuấn phát biểu tại Tọa đàm "Đưa tri thức thành động lực phát triển
bền vững: những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của Cty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông"
Bí thư Đảng ủy khối Công nghiệp Hà Nội Doãn Trung Tuấn cho biết, bên cạnh khoa học công nghệ, các doanh nghiệp cũng đã học hỏi, hợp tác các viện nghiên cứu, trường đại học trong khối Kinh tế để ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại, góp phần làm tăng doanh thu, lợi nhuận, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Ghi nhận những bước đổi mới của các doanh nghiệp nhưng PGS.TS Nguyễn Văn Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế cho rằng, bước sâu vào sân chơi toàn cầu, doanh nghiệp trong nước còn yếu kém về mọi mặt so với các đối thủ trong khu vực và quốc tế. Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết, thách thức cạnh tranh lại càng khốc liệt hơn. Trong khi 95% doanh nghiệp trong nước là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp rất cần nguồn lực tri thức từ các trường, viện nghiên cứu để hỗ trợ, giúp đỡ, tạo ra tư duy, chiến lược kinh doanh mới, năng lực khoa học - công nghệ, trình độ kỹ thuật, công nghệ quản trị tiên tiến và nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, kỹ năng cao… Nhưng thực tế cho thấy, chủ yếu mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà trường mới đang dừng ở hình thức doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh- Viện trưởng Viện kinh tế quốc tế cho biết Rạng Đông rất khéo léo và thành công khi kết hợp trục 2 cánh
Khoa học công nghệ và Khoa học quản trị vào doanh nghiệp
PGS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, trước hết, các doanh nghiệp phải chủ động phát huy tinh thần tự lực, tự cường bằng cách cộng hưởng các giá trị nhỏ thành lớn. Từ việc tạo ra các cải tiến nhỏ, thường xuyên, hằng ngày của tất cả mọi người, với phương châm “tích tiểu thành đại” tạo nên bước tiến lớn. Hoặc đổi mới tư duy, sáng tạo, tạo ra các bước đột phá mạnh mẽ. Bên cạnh đó, phải tích cực kết hợp, liên kết và tận dụng nguồn lực tri thức từ các trường đại học, viện nghiên cứu trên cả ba phương diện, nghiên cứu nền tảng và định hướng phát triển lâu dài, nghiên cứu triển khai- thực hiện các đơn đặt hàng trong thời gian cụ thể, nghiên cứu phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có như vậy, sự đổi mới trong ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị mới đem lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp trụ vững trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.