Buổi tọa đàm diễn ra với sự chủ trì của PGS,TSKH Nguyễn Văn Minh-Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế-Đại học Ngoại thương và Ông Nguyễn Đoàn Thăng-Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, cùng gần 40 khách mời đại diện các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn Hà Nội.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng - TGĐ Công ty Rạng Đông phát biểu tại tọa đàm

 Ông Nguyễn Đoàn Thăng - TGĐ Công ty Rạng Đông phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Đoàn Thăng-TGĐ Công ty Rạng Đông giới thiệu lịch sử hình thành, các giai đoạn phát triển, Tầm nhìn & Sứ mệnh, Văn hóa doanh nghiệp, và các sản phẩm, thị trường chủ lực, những thành quả lớn lao đã đạt được trong những năm qua của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Bên cạnh đó, Ông Thăng cũng nêu lên tầm quan trọng của Năng suất lao động nói riêng và Năng suất các yếu tố tổng hợp đối với sự phát triển của công ty cùng những nỗ lực của Cty Rạng Đông nhằm tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm trong những năm qua. Từ đó, Ông cũng bày tỏ mong muốn cùng các doanh nghiệp Việt Nam khác kết hợp với các Viện Nghiên cứu, Các trung tâm khoa học để nghiên cứu vấn đề này, tìm ra giải pháp chiến lược cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, nhằm đưa năng suất lao động Việt Nam sánh ngang các quốc gia trong khu vực và thế giới.

PGS.TS Tăng Văn Khiên phát biểu tại tọa đàm
PGS.TS Tăng Văn Khiên giới thiệu về phương pháp tính tốc độ tăng TFP và áp dụng chỉ số TFP trong quản trị doanh nghiệp

Tham luận về Phương pháp tính tốc độ tăng TFP trong doanh nghiệp- PGS.TS Tăng Văn Khiên đã chỉ các nội dung sau: Khái niệm và công thức tính tốc độ tăng TFP; Xử lý số liệu để tính toán tốc độ tăng TFP cho phạm vi toàn nền kinh tế; Xử lý số liệu để tính toán tốc độ tăng TFP cho phạm vi doanh nghiệp; Quá trình nỗ lực tăng năng suất lao động và những vướng mắc/khó khăn khi tính toán và áp dụng TFP.

PGS,TS Tăng Văn Khiên cũng nhận định rằng: TFP và tốc độ tăng không phải con số chính xác tuyệt đối, nó là con số ước lượng, nên một điều quan trọng để có con số ý nghĩa là phải chọn mẫu và số lượng mẫu thật khoa học.

Năng suất các yếu tố tổng hợp TFP

PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh giới thiệu về tầm quan trọng của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP

PGS,TSKH Nguyễn Văn Minh -Chủ trì Tọa đàm nhận định: Làm thể nào để tính toán và áp dụng Năng suất các yếu tố tổng hợp TFP trong hoạt động của doanh nghiệp thực sự là một bài toán khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế này cũng mở ra 3 vấn đề cấp thiết cần giải quyết của các doanh nghiệp đó là: Chỉ số các doanh nghiệp đang và cần đo là tốc độ tăng năng suất các yếu tố tổng hợp; Sau đó phải đo lường được mức tăng thông qua 3 yếu tố: Đầu ra, Lao động, Các yếu tố tổng hợp, kết hợp GDP quốc dân để tính TFP của doanh nghiệp; Từ đó tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng TFP của mỗi doanh nghiệp và có chiến lược phát huy các lợi thế và khắc phục điểm yếu.

Năng suất các yếu tố tổng hợp TFP

TS Nguyễn Thúy Anh giới thiệu về điển hình ứng dụng thành công của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Singapore

TS.Nguyễn Thúy Anh cho rằng: Bản chất tính các chỉ số năng suất trong doanh nghiệp là chỉ ra được tác động tác động lên nó, yếu tố nào yếu kém, yếu tố nào đang nắm vị thế cốt yếu. Doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng mang ý nghĩa lâu dài mới chính là mục tiêu chiến lược, thúc đẩy sự phát triển của công ty quan trọng hơn nhiều so với mục tiêu tăng lợi nhuận.

Năng suất các yếu tố tổng hợp TFP
Các khách mời tham gia thảo luận về năng suất các yếu tố tổng hợp TFP

Tổng kết tham luận tại tọa đàm, PGS,TSKH Nguyễn Văn Minh kết luận: Sau khi tính được hệ thống chỉ số năng suất, các doanh nghiệp phải biết tích hợp, vận dụng vào hệ thống quản trị doanh nghiệp một cách thực tế, từ đó có phương pháp kết hợp nó với các mô hình, các hoạt động của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những tôn chỉ hoạt động của Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế: Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bằng các chương trình nghiên cứu, phương pháp khoa học giải quyết các vấn đề tồn đọng của doanh nghiệp.