Hội nghị được tổ chức nhằm tạo cơ hội hình thành các liên kết hữu ích giữa đơn vị sản xuất giống lan cấy mô và nhà vườn trồng lan nhằm hỗ trợ tiêu thụ giống lan cấy mô trong nước. Phát triển ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô thực vật nhằm phát huy tối đa tiềm năng, đáp ứng nhu cầu cây giống hoa lan cấy mô của các nhà vườn, dần thay thế giống lan nhập.


Toàn cảnh hội nghị " Sản xuất và cung ứng cây giống hoa lan nuôi cấy mô tại TP HCM"

 

Theo ông Dương Đức Trọng, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TPHCM trên địa bàn có 24 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi cấy mô thực vật, chủ yếu là các viện, trường hoạt động nghiên cứu có kết hợp sản xuất với 15 cơ sở và 9 công ty, cơ sở sản xuất. Tổng sản lượng gần 16 triệu cây giống cấy mô các loại/năm, so với năng lực 24,6 triệu cây giống mô các loại/năm. Các giống cấy mô như lan Dendrobium, Hồ Điệp, Mokara, Ngọc Điểm, Catlleya... các giống kiểng nền, kiểng lá, cây dược liệu bạc hà, đinh lăng, sâm Ngọc Linh, chuối, dừa sáp, bạch đàn, keo lai, hồ tiêu... Hiện các giống cây tiêu thụ tại TP và các địa phương khác thông qua hợp đồng.

Ông Lê Nam Thành - đại diện C.ty Rạng Đông trình bày các giải pháp chiếu sáng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Rạng Đông

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Nam Thành – đại diện Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông đã trình bày các giải pháp chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao của Rạng Đông với các loại đèn chuyên dụng: Giải pháp chiếu sáng trong công nghiệp nhân giống nuôi cấy mô ( Invitro); Giải pháp chiếu sáng điều khiển ra hoa cây hoa cúc; Giải pháp chiêu sáng điều khiển ra hoa cây Thanh Long; Giải pháp chiếu sáng trong sản xuất rau mầm, rau sạch đô thị; Giải pháp chiếu sáng trong nuôi trồng tảo.

Các giải pháp chiếu sáng của Rạng Đông đem lại hiệu quả rất lớn cho người dân trong quá trình sản xuất, giúp tiết kiệm điện năng rất lớn, cây sinh trưởng tốt, rút ngắn thời gian sản xuất.

 

Khu trưng bày các giải pháp chiếu sáng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Rạng Đông thu hút rất nhiều sự quan tâm của các quan khách

 

Ông Thành cũng cho biết: trong chiếu sáng trong công nghiệp nhân giống nuôi cấy mô ( Invitro), chủ yếu sử dụng những nguồn sáng có hiệu suất thấp, tiêu tốn nhiều điện năng như đèn Huỳnh quang T10-40W balat sắt từ thường, bộ đèn không có chao phản quang thích hợp nên hiệu suất chiếu sáng thấp, nguồn sáng có phổ không phù hợp, tác dụng quang hợp thấp , hiệu suất quang hợp kém. Trung tâm nghiên cứu và phát triển chiếu sáng R&D Rạng Đông đã hợp tác với Viện Tiên tiến KHCN ( AIST), Viện Sinh học – ĐH Nông nghiệp, chế tạo thành công đèn Huỳnh quang chuyên dụng cho nhân giống nuôi cấy mô, triển khai thí điểm tại Đà lạt, Hà Nội, TP HCM, Quảng Ninh cho kết quả cao về tiết kiệm điện, nâng cao hiệu quả nhân giống, điện năng giảm 40%-50%, chất lượng cây giống tăng cao. Bên cạnh đó, Rạng Đông đã nghiên cứu thử nghiệm thành công đèn LED trong nuôi cấy mô giúp tiết kiệm 80% điện năng, tuổi thọ đèn LED cao gấp 3 lần so với đèn Huỳnh quang thường, đèn LED cho các chỉ tiêu sinh trưởng cây giống tăng lên, chất lượng cây giống tốt hơn so với đèn Huỳnh quang, rút ngắn thời gian nhân giống.


 

Tại hội nghị cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ giống lan nuôi cấy mô giữa Trung tâm Công nghệ sinh học TP HCM, Công ty Anh Đào, Ban quản lý Khu Nông nghiệp-Công nghệ cao với các cá nhân là ông Hà Văn Thiện, tỉnh Lâm Đồng; ông Lê Ngọc Bích, TP HCM và với HTX Đại Lộc TP HCM.