Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HỒ CHÍ MINH
Bài học từ Rạng Đông
Đã thành truyền thống, hàng năm Rạng Đông thực hiện vinh danh các cá nhân lao động xuất sắc trong mỗi đợt thi đua để báo công dâng Bác

Gần 20 năm gắn bó với Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, tôi đã quá quen thuộc với bài phát biểu của Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng trong những ngày lễ báo công với Bác, bao giờ cũng mở đầu bằng bài kể về Bác Hồ về thăm nhà máy ngày 28/4/1964.

Vài năm đầu, tôi coi đó là một sự nhàm chán, có vẻ như hơi hình thức, nhưng càng về sau, càng chứng kiến những bước đi vững chắc của Rạng Đông, tôi càng thấy con đường mà Rạng Đông đang đi thực sự đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn rất xa của đội ngũ lãnh đạo Công ty. Những gì họ đã và đang làm khi gắn thương hiệu Rạng Đông với danh hiệu “Anh hùng và có Bác Hồ” đã được nâng lên tầm nghệ thuật quản trị doanh nghiệp. Và xuyên suốt sự điều hành của doanh nghiệp này là sự chiêm nghiệm và làm theo những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ vẫn chưa bao giờ cũ - theo cách luôn luôn đổi mới và sáng tạo.

Và tôi, mỗi năm, khi được cầm nén hương hòa vào dòng người, kính cẩn trước tượng đài của Bác trong khuôn viên rợp mát của Rạng Đông đã không còn thấy nhàm chán nữa mà thấy rất vui, bởi Rạng Đông vẫn không ngừng vươn lên, đứng vững và phát triển ổn định trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt và bởi nét văn hóa tâm linh của người Rạng Đông đã được cả Công ty này vun đắp và gìn giữ cho những thế hệ sau.

Bài học “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”

Trong buổi làm việc gần đây nhất, Tổng giám đốc Công ty Nguyễn Đoàn Thăng cho biết, Công ty tự hào vì đã 25 năm liên tục giữ vững nhịp tăng trưởng về doanh thu năm sau cao hơn năm trước, từ 7,37 tỉ đồng năm 1990 lên 2.806 tỉ đồng năm 2014. Và ngay những ngày đầu năm mới 2015 này, chỉ tính đến hết ngày 28/1, Công ty đã đạt doanh thu 355 tỉ đồng, hứa hẹn một năm mới thành công, với mục tiêu đạt 3.005 tỉ doanh thu năm 2015. Kết thúc năm 2014, Công ty nộp ngân sách 219,2 tỉ đồng, thu nhập bình quân người lao động đạt xấp xỉ 9,5 triệu đồng/người/tháng, trả lãi cổ tức tới 35% bằng tiền mặt.

Không phải tự nhiên mà Rạng Đông có được thành tích này, khi mà nhiều doanh nghiệp cùng thời có nền tảng khá hơn lại dần thui chột. Đó là cả một quá trình giáo dục chính trị tư tưởng theo kiểu “mưa dầm thấm đất”. Mỗi người công nhân của Rạng Đông là phải biết về câu chuyện Bác đã về thăm như thế nào, tại sao Bác phải về thăm và về thăm Bác dặn những gì, mình cần làm gì để không phụ lòng mong mỏi của Bác. Và mỗi người đảng viên phải là những người tiên phong, mỗi đoàn viên phải là những thanh niên xung kích. Tất cả vì một mục đích phát huy nội lực, khơi dậy sức sáng tạo của toàn thể CBCNV, tạo nên sức mạnh của một khối đoàn kết mà “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”.

Hơn 20 năm qua, Rạng Đông bền bỉ với phong trào thi đua làm theo lời Bác. Bác đã dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Vì thế, mỗi năm, Rạng Đông lại phát động thi đua lập thành tích báo công với Bác vào ngày truyền thống Bác về thăm 28/4 hàng năm.

Tuy vậy, sau hơn 20 năm phát động thi đua “Rạng Đông làm theo lời Bác”, mặc dù đã gặt hái được rất nhiều thành công, nhưng đội ngũ lãnh đạo Công ty cũng cảm nhận được sức ỳ của bộ máy, bởi phong trào thi đua đã đi theo lối mòn. Lại chiêm nghiệm từ lời dạy của Bác “mức thi đua phải tiến dần và tiến mãi mãi”, sự thi đua và sức sáng tạo là không giới hạn, cho nên nó không thể dừng lại. Ông Thăng đã truyền tải đến hàng ngàn CBCNV của mình thông điệp: “Vận mệnh của ta nằm trong tay ta, số phận của ta là do ta quyết định. Nếu dừng lại và bằng lòng với những gì mình có, nghĩa là ta đã tự đào huyệt chôn mình, bởi xung quanh ta, xã hội vận động không ngừng, nếu ta không cố gắng ta sẽ tụt hậu và tự bị đào thải”. Và những đợt thi đua lại tiếp tục nhưng theo hình thức mới, đó là, mỗi năm lại có thêm hai đợt cao trào thi đua “Hội thao diễn kỹ thuật và bình chọn lao động giỏi” vào ngày 10/10 kỷ niệm giải phóng Thủ đô và ngày 28/4 là ngày báo công dâng Bác. Sang năm mới 2015, Công ty tiếp tục đổi mới phong trào thi đua bằng những định mức mới, những cách thức thưởng mới. Với một cơ chế khuyến khích hợp lý, Công ty đã khiến cho mỗi người lao động ở Rạng Đông đều luôn mong muốn đóng góp ý tưởng sáng tạo, góp phần vào sự phát triển của Công ty, đồng thời nâng cao thu nhập cho bản thân. Công ty luôn đánh giá cao sự chủ động của mỗi người công nhân, thay vì làm việc như một cái máy được lập trình sẵn, không có sự đổi mới.

Nhờ thế, dù trong 20 năm qua, nền kinh tế đất nước đã trải qua bao nhiêu biến cố, với hai đợt khủng hoảng kinh tế năm 1997 và năm 2008, nhưng “cỗ xe tăng” Bóng đèn phích nước Rạng Đông với những tinh thần thép chưa bao giờ chậm nhịp, đều đặn mỗi năm hai con số tăng trưởng về doanh thu, liên tục lọt top “hàng Việt Nam chất lượng cao”, năm 2014 là 1 trong 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam…

Năm 2014, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông được các tổ chức xếp hạng:

+ 402 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam;

+ 162 trong 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam;

+ 387 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam;

+ 24 trong 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam;

+ Top 200 doanh nghiệp Việt Nam đạt chỉ số tốt nhất năng lực hoạt động năm 2014:

- Chỉ số sinh lời tốt nhất;

- Hệ số bảo toàn vốn tốt nhất;

- Chỉ số doanh thu tốt nhất.

 

Bài học “lấy dân làm gốc”

Bác dạy “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên… Do vậy, chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng. Mà muốn hiểu biết, học hỏi dân chúng thì ắt phải có nhiệt thành, có quyết tâm, phải khiêm tốn, phải chịu khó”. Điều đó, Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng cũng đã và đang làm. 28 năm làm Tổng giám đốc, ngày đầu năm mới nào ông cũng đến Công ty từ 3 giờ sáng để kiểm tra sản xuất, rồi đứng ở cổng, bắt tay, chúc mừng năm mới từng người một, CBCNV ai mà không cảm động bởi tấm chân tình ấy. Nhiều người bảo làm thế là mỵ dân. Nhưng mỵ dân mà được 28 năm thì đã lên tầm nghệ thuật – nghệ thuật của nhà lãnh đạo có tầm và có tâm, như lời của nhà văn Bắc Sơn khi viết về ông.

Sản xuất LED SMD tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông

Nhưng bất kỳ cái gì cuối cùng cũng qui về kết quả. Doanh số, lợi nhuận Công ty tăng trưởng không ngừng, thu nhập của người lao động cũng tăng không ngừng. Điều đó, người lao động là những người thấy rõ nhất. Hiệu quả nó ở chỗ ấy. Và nếu mỵ dân mà được như thế, cũng nên có thêm nhiều người lãnh đạo mỵ dân.

Trong bài học dùng người, Rạng Đông cũng có nhiều sáng tạo. Khi Công ty đứng trước bờ vực phá sản, phải tái cơ cấu, “người ở, người về” theo Quyết định 176/QĐ-CP cho gọn biên chế, thì ngoài chế độ của nhà nước, người ở lại góp thêm ít tiền chia sẻ với người về. Rồi khi Công ty bắt đầu đầu tư hiện đại hóa dây chuyền, bài toán đầu tư được lãnh đạo Công ty vạch ra rất rõ ràng. Thế là, CBCNV đồng lòng nhất trí cho Công ty vay tiền thưởng tháng lương thứ 13 hơn 10 năm liền để đầu tư hiện đại hóa nhà máy. Dây chuyền sản xuất sinh lời, Công ty trả lãi cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi ngân hàng. Tiền sinh sôi, tiền sinh lợi nhuận. Bài toán có hiệu quả, cả Công ty và người lao động đều có lãi, đó là thành công của người lãnh đạo. Nhờ đó, đến khi cổ phần hóa, riêng tiền thưởng CBCNV cho Công ty vay bình quân đã tới 40 triệu đồng/người, 96% CBCNV có tiền mua cổ phiếu ưu đãi, chiếm 40,2% cổ phần.

Nhưng, khi giá cổ phiếu lên, hầu hết CBCNV đã bán, chỉ có Ban lãnh đạo thì Đảng ủy quyết không được bán nên giữ lại được 10,5%. Có nghĩa là công nhân đang từ vai trò người làm chủ đã biến thành người làm thuê. “Công ty của mình, mình mất bao công sức để gây dựng, rồi giờ đây thuộc về người ngoài. Đau lắm” – ông Thăng tâm sự. Đó là nỗi niềm đau đáu của Ban lãnh đạo Công ty, để rồi những người đứng đầu lại một lần nữa tính toán, tìm giải pháp để thế hệ đi sau được thực sự làm chủ, tìm mọi cách để Công đoàn Công ty mua lại được tổng số 39,5% cổ phiếu, Công đoàn quản lý và người được lợi là công nhân lao động vì lợi tức từ số cổ phiếu này hoàn toàn dành cho họ. Không chỉ có vậy, lo lắng cho một tương lai xa hơn, ông Thăng cho biết, theo kế hoạch, đầu năm 2015, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tiếp tục thoái hết 20,6% vốn Nhà nước tại Rạng Đông. Nguyện vọng của Công ty là muốn Công đoàn Công ty được mua số cổ phiếu này, để Công đoàn có chân trong Hội đồng quản trị, quản lý phần vốn của người lao động. Đây là hình thức vốn của tập thể, không có bất kỳ cá nhân nào đứng tên, mục đích là giữ cho người lao động được làm chủ, tránh hiện tượng đi làm thuê, không được chủ động trong các định hướng chiến lược, cũng như phân phối lợi nhuận… Đề nghị này được lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam hứa sẽ lưu tâm hỗ trợ vì đây là nguyện vọng rất chính đáng vì người lao động.

Bài học về sự khác biệt

Coi trọng công tác cải tiến, nâng cao năng suất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “công nhân ta thi đua cải tiến tổ chức, cải tiến kỹ thuật để rút ngắn thời gian sản xuất và cố gắng làm hàng cho tốt để bán ra được nhanh thì sẽ trở thành những người tướng giỏi về mặt này…”. Thực hiện lời dạy của Bác, Rạng Đông đặt chiến lược phát triển theo hướng “làm hàng kỹ, không làm hàng chợ” để tạo sự khác biệt. Mỗi người lao động của Rạng Đông đều được coi là một chiến sĩ trên mặt trận sản xuất và mỗi chiến sĩ ấy đều có thể trở thành tướng giỏi nếu biết tạo ra sự khác biệt để vươn lên hơn người khác. Tổng giám đốc Thăng cho rằng, mình làm cái người ta chưa làm, làm cái người ta không làm, mới tạo được sự khác biệt, và có khác biệt mới tồn tại được. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi. Mấy chục năm qua, Rạng Đông đã bền bỉ đầu tư dây chuyền hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra những sản phẩm chiếu sáng chất lượng cao trên thị trường chiếu sáng Việt Nam. Xác định đối tượng khách hàng cho từng loại sản phẩm, xác định phân khúc thị trường mà mình sẽ thâm nhập, Công ty đã hoạch định một chiến lược dài hạn với tầm nhìn hàng chục năm. Những năm trước, khi các doanh nghiệp còn đang lao đi xuất khẩu, thì Rạng Đông gây dựng thị trường trong nước, đánh bạt hàng lậu kém chất lượng, giành lại thị trường phích nước và xây dựng thị trường chiếu sáng. Vì thế khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp quay trở lại thị trường nội địa thì Rạng Đông đã có hệ thống chân rết vững vàng. Vào thời điểm này, thị trường trọng tâm của Rạng Đông lại là xuất khẩu khi mà thị trường nội địa đang có mức tăng trưởng chậm và rất khó khăn.

Rạng Đông đã xây dựng Trung tâm R&D chiếu sáng cho riêng mình

Nhưng trên hết, thể hiện một tầm nhìn trong dài hạn, đó là quá trình thành lập Trung tâm Nghiên cứu triển khai R&D Rạng Đông. Đây chính là sự khác biệt lớn nhất của Rạng Đông với các doanh nghiệp khác khi dám đi trước đón đầu, tập trung đầu tư cho khoa học công nghệ, xây dựng một trung tâm R&D cho riêng mình, phục vụ công tác nghiên cứu sản phẩm mới, xây dựng thương hiệu Rạng Đông thành một công ty sản xuất các sản phẩm chiếu sáng hàng đầu Việt Nam. Chỉ trong chưa đầy 5 năm kể từ khi thành lập 2011, Trung tâm R&D Rạng Đông đã thu hút được gần 60 chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực cùng phối hợp với một số viện, trường danh tiếng để nghiên cứu mọi vấn đề liên quan đến nguồn sáng. Ngoài các nghiên cứu về chiếu sáng công nghệ cao phục vụ ngành nông nghiệp như nuôi cấy mô, trồng hoa cúc, trồng thanh long nghịch vụ, mới đây, Công ty đã bắt đầu có những tiếp cận với các nghiên cứu về chiếu sáng trong chăn nuôi, bẫy, giết côn trùng. Đặc biệt, Công ty đang có những thử nghiệm về chiếu sáng phục vụ tàu cá đánh bắt hải sản xa bờ với sản phẩm Led – sản phẩm của thế kỷ XXI.

Theo Tổng giám đốc  Nguyễn Đoàn Thăng, sự khác biệt chính là yếu tố làm nên thành công của Rạng Đông và vì thế, Rạng Đông sẽ không ngừng đổi mới và sáng tạo để thương hiệu Rạng Đông sẽ không ngừng tỏa sáng trên khắp mọi miền Tổ quốc và vươn ra chinh phục thị trường thế giới.

Hồ Nga - Tạp chí Công thương

Cát Phương – Báo Thế Giới Việt Nam – Tháng 4/2016

1900.2098