Đưa tri thức thành động lực phát triển
(PLO) -Ngày 24/6/2016, tại Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương, Tạp chí Tia sáng và Đảng ủy Khối công nghiệp Hà Nội phối hợp Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “ Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông”.
Tôn vinh các nhà khoa học đang làm việc tại Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông
Khoa học, giáo dục xếp thứ 133 thế giới
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết: Năm 2016, với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA Việt Nam - EU, Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Á - Âu, đặc biệt là TPP), cùng với việc cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2016, Việt Nam thực sự đã bước vào một giai đoạn hội nhập mới với những cơ hội và thách thức to lớn.
Đáng chú ý, về năng lực khoa học công nghệ, Việt Nam tụt hậu khá xa so với các nước láng giềng. Đánh giá của Ngân hàng Thế giới về kinh tế tri thức cho thấy, chỉ số giáo dục của Việt Nam năm 2012 là 2.99, xếp thứ 133 thế giới, thấp hơn mức bình quân 5.26 của khu vực.
Các đại biểu trao đổi tại Tọa đàm khoa học- Đưa tri thức thành động lực phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với các thách thức cạnh tranh khốc liệt, đòi hỏi phải có tư duy, chiến lược kinh doanh mới, năng lực khoa học- công nghệ, trình độ kỹ thuật hiện đại, công nghệ quản trị tiên tiến, năng lực lãnh đạo điều hành mới, đội ngũ lao động chuyên nghiệp và kỹ năng cao...
PGS.TS Nguyễn Văn Minh- Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương đưa ra những câu hỏi như làm thế nào để làm chủ được tri thức quản trị tiên tiến trong khi nền tảng trình độ của đội ngũ cán bộ còn yếu?
Làm thế nào để áp dụng các công cụ quản trị hiện đại vào điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với trình độ Công ty và văn hóa Việt Nam?...
Không chỉ là mối lo riêng của Rạng Đông mà là mối lo chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, PGS.TS Nguyễn Văn Minh gợi ý một số giải pháp để giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục thực hiện thành công tiến trình biến tri thức thành động lực để phát triển.
PGS.TSKH Nguyễn Văn Minh - Viện trưởng Viện kinh tế quốc tế đai học ngoại thương đánh giá sự phát triển liên tục của Rạng Đông là một " Hiện tượng Rạng Đông"
Cần “cộng hưởng giá trị Đông- Tây”
Theo đó, doanh nghiệp phải chủ động phát huy tinh thần tự lực, tự cường, triển khai mô hình “Cộng hưởng giá trị Đông- Tây”; các nhà khoa học quản trị đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu cần vượt qua thành trì hàn lâm, chấp nhận luật chơi khắc nghiệt của thị trường để sáng tạo, cùng cộng đồng doanh nghiệp đưa tri thức thành động lực phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần có tiếng nói chung, cần phát huy vai trò của các tổ chức nghiệp, hội; đồng thời, Chính phủ cần gần với doanh nghiệp hơn để thấu hiểu những khó khăn của doanh nghiệp và từ đó thực hiện đúng những điều Chính phủ cam kết…
Trên cơ sở phân tích quá trình phát triển, những khó khăn từ thực tiễn của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra những đề xuất, những lời khuyên hữu ích để công ty Rạng Đông nói riêng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung vững tin trên con đường đưa tri thức trở thành động lực phát triển.
Thành lập 24/02/1961, trong suốt quá trình phát triển, sự thay đổi vượt bậc trong tiến trình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã làm đổi mới hoàn toàn Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông từ công nghệ sản xuất đến tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.
Rạng Đông đưa công nghệ tiên tiến vào sản xuất
Ngay từ khi còn là doanh nghiệp nhà nước, tập thể người lao động Rạng Đông đã dành tiền thưởng hơn 10 năm liền cho công ty vay để đầu tư hiện đại hóa. Hai phần ba tổng số vốn đầu tư thay đổi toàn bộ các dây chuyền hiện đại của công ty là vốn góp của cán bộ, công nhân viên, thể hiện tinh thần chủ động, không ỷ lại.
Nhờ đó, chỉ tính riêng giai đoạn 2005- 2015, doanh số tiêu thụ của công ty tăng 6.36 lần, lợi nhuận tăng 2.57 lần, nộp ngân sách tăng 2,076 lần và thu nhập bình quân tăng 1,95 lần (đạt mức 10,5 triệu đồng/người năm 2015), cổ tức tăng 1,75 lần.
Điều gì đã làm nên kỳ tích này? Từ thực tiễn của Công ty Rạng Đông, các nhà khoa học dự tọa đàm có cơ hội được chia sẻ, trao đổi, thảo luận những kinh nghiệm của việc đưa tri thức trở thành động lực phát triển; đồng thời tạo cơ hội, học hỏi giữa các doanh nghiệp, giới nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước.
Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân đánh giá Rạng Đông là đơn vị điển hình trong việc đưa tri thức vào hoạt động sản xuất
Tại Tọa đàm, các đại biểu khẳng định, có được những thành tích vượt bậc trong suốt quá trình 55 năm xây dựng và trưởng thành của Rạng Đông là bởi nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là Rạng Đông đã khéo léo kết hợp mô hình một trục hai cánh.
Trục chính là nền tảng văn hóa có bản sắc riêng, với cốt lõi là con người Rạng Đông: tận tâm, tận lực, tự giác, tự trọng, tự tin và trung thực. Hai cánh, trong đó một cánh là khoa học công nghệ; một cánh là khoa học quản trị.
Về khoa học công nghệ, Rạng Đông đã ký kết các hợp tác toàn diện với trên 10 viện, trường trên phạm vi cả nước, nổi bật như: Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương...
Các mô hình liên kết này đã góp phần đưa tri thức hàn lâm vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, thúc đẩy quá trình học hỏi, chuyển giao công nghệ. Tháng 3/2011, Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông chính thức được thành lập.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng - TGĐ Công ty Rạng Đông chia sẻ về việc áp dụng khoa học quản trị và khoa học công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp
Sau 5 năm phát triển, trung tâm đã trở thành mái nhà chung của hơn 40 nhà khoa học đầu ngành trong nước tới cộng tác làm việc, từng bước đảm nhận trọng trách là bộ não của công nghệ Rạng Đông. Tại Tọa đàm, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã tôn vinh các nhà khoa học nhân kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm R&D chiếu sáng Rạng Đông.
Tọa đàm cũng đã lắng nghe các trao đổi thẳng thắn của các nhà khoa học trong và ngoài nước chia sẻ về thực tiễn và giải pháp, kinh nghiệm thế giới và những giải pháp sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình đưa tri thức khoa học công nghệ thành động lực phát triển bền vững trong doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Báo Pháp Luật Việt Nam