Ảnh: Nhà báo Văn Thành – tạp chí Tia Sáng 

Đã có nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, và nhà báo lý giải khác nhau về nguyên nhân tạo ra sự thành công của Rạng Đông, nhưng hầu như đều có chung một nhận định là ở Rạng Đông có ba điều hiếm có:

Thứ nhất, hiếm có ở doanh nghiệp nào hình tượng của Bác Hồ đi vào đời sống lao động, sản xuất, và sáng tạo nhiều như ở Rạng Đông, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Sự kiện Bác Hồ về thăm Rạng Đông từ 50 năm trước đã trở thành một biểu tượng quan trọng đối với công ty, không chỉ xuất hiện qua những bức ảnh treo trang trọng trong các văn phòng, nhà xưởng, hay bức tượng đài trong khuôn viên nhà máy, mà còn được truyền tải qua những câu nói cô đọng mà Bác từng dặn dò.

Từ một tập thể hàng nghìn người lao động nhưng còn rất thiếu các nhà quản lý tầm trung, việc vận dụng hình tượng Bác Hồ chính là giải pháp thông minh và hiệu quả của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong việc quản lý và kết nối lòng người. Thông qua hình tượng Bác Hồ, tất cả đều có thể hướng tới một cái chung, được cụ thể hóa qua những giá trị gia tăng cho công ty và xã hội, là cái đích để những người công nhân, kỹ sư đeo đuổi trong quá trình lao động, sáng tạo.

Điều hiếm có thứ hai của Rạng Đông là sự chăm lo đến lợi ích của từng cá thể. Không chỉ tạo ra mức lương, thưởng hợp lý trong điều kiện cho phép, Rạng Đông còn chủ động dùng danh nghĩa công đoàn để mua lại cổ phiếu của mình, qua đó trả cổ tức và cùng chia sẻ lợi nhuận cho người lao động. Bằng cách này, những người công nhân, kỹ sư của công ty càng có thêm động lực phấn đấu, bởi đóng góp giá trị gia tăng cho doanh nghiệp cũng chính là mang lại lợi ích cho bản thân mình.

Điều hiếm có thứ ba của Rạng Đông, đó là thái độ cầu thị và sự khao khát học hỏi không ngừng. Chỉ ở Rạng Đông chúng ta mới được thấy ở mọi lúc mọi nơi thống nhất một thái độ quý trọng dành cho các chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc ở doanh nghiệp – từ người gác cổng tới Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, một người đã trên 70 tuổi nhưng luôn khiêm tốn gọi các chuyên gia ở thế hệ con, cháu mình là “thầy”. Sự chân thành ấy là tác nhân quan trọng giúp chinh phục trái tim và khối óc các nhà khoa học – không có gì là lạ lùng khi có người đến tận 28 Tết vẫn miệt mài làm nghiên cứu, kịp thời tạo ra sản phẩm giúp công ty đáp ứng nhu cầu cấp bách của thị trường.

Ba điều hiếm trên chính là bí quyết giúp Rạng Đông đi lên trong chặng đường phát triển vừa qua: vận dụng hình tượng Bác Hồ để tạo ra một cái đích chung giúp gắn kết lòng người; chăm lo lợi ích của người lao động để nuôi dưỡng lòng người trong lâu dài; dùng lòng thành để đối đãi, thu hút chất xám, tạo thành nguồn lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, dồi dào.

Hướng tới chặng đường phía trước, trong bối cảnh nền kinh tế sẽ ngày càng hội nhập và cạnh tranh gay gắt, Rạng Đông sẽ phải tiếp tục phấn đấu làm mới mình, nâng cao trình độ KH&CN và năng lực quản lý, xây dựng mô hình hoạt động bài bản, hiệu quả hơn nữa. Nhưng chúng ta hi vọng rằng Rạng Đông sẽ tiếp tục giữ được ba điều hiếm có của riêng mình, bởi chúng là kết quả công sức vun trồng công phu trong suốt hơn hai thập kỷ của một thế hệ những người lãnh đạo tâm huyết, đứng đầu là Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thăng, để rồi ngày nay đã trở thành bản sắc riêng của doanh nghiệp, là những giá trị tinh thần có tính truyền thống mà tiền bạc, vật chất không thể đánh đổi được.

 

1900.2098