Truyền thống Rạng Đông có Bác Hồ
TỪ RẠNG ĐÔNG CÓ BÁC HỒ
ĐẾN RẠNG ĐÔNG ANH HÙNG & CÓ BÁC HỒ
Nguyễn Đoàn Thăng
Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám Đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông

Cách đây gần nửa thế kỷ, trong thời kỳ khôi phục kinh tế ở Miền Bắc mới được giải phóng, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã đích thân lựa chọn xây dựng 13 nhà máy đầu tiên, lo cho dân từ chiếc săm lốp xe đạp, bánh xà phòng giặt, bánh thuốc đánh răng, cái bát đĩa, vải, giấy và tới cả bao diêm Thống Nhất. Trong dịp đó Nhà máy Bóng Đèn Phích nước Rạng đông được quyết định xây dựng.

Năm 1959 đoàn cán bộ, học sinh đầu tiên đi học nghề sản xuất bóng đèn phích nước tại Thượng Hải, cái nghề có lẽ từ thủa Vua Hùng đến lúc đó Việt Nam ta chưa có. Nhà máy Bóng Đèn Phích nước Rạng đông là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam, ở Đông Dương.

Rồi san lấp mặt bằng, xây dựng nền móng, lắp máy và đi vào sản xuất. Sản phẩm đầu tiên ra đời là bóng đèn tròn. Xưởng Huỳnh quang, lúc đó sản xuất cả đèn ống, chấn lưu, starter đi vào sản xuất chậm nhất, đúng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga 7/11/1962.

Đầu năm 1963 có quyết định thành lập bộ máy quản lý sản xuất, rồi lễ cắt băng khánh thành.

Cán bộ, công nhân và chuyên gia Trung Quốc trong ngày lễ cắt băng khánh thành nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông - 1963

Sau khi đi vào hoạt động một thời gian, sáng ngày 28/4/1964 Bác Hồ kính yêu về thăm nhà máy. Bác đi thăm nơi ăn chốn ở, Bác đi thăm các xưởng. Rồi Đảng bộ, toàn thể CBCNV quây quần quanh Bác ở sân nghe Bác dặn dò.

45 năm qua, Đảng bộ và CBCNVC Công ty không ngừng phấn đấu thực hiện lời căn dặn của Người. Hơn hai mươi năm trở lại đây, hàng năm đúng ngày kỷ niệm Bác về thăm, toàn Đảng bộ, toàn thể CBCNVC lại quây quần quanh tượng đài Bác, ôn lại lời dạy của Người, các đơn vị dâng lẵng hoa tươi báo công với Bác, người người xếp thành hàng dài lần lượt cùng nhau thắp nén hương thơm tưởng nhớ tới Người. Ngày 28 tháng tư hàng năm được lấy làm ngày truyền thống củaCông ty.

Bác Hồ thăm phân xưởng Bóng đèn Rạng Đông
Bác Hồ thăm phân xưởng Phích nước Rạng Đông
Truyền thống Rạng Đông có Bác Hồ

Hồi ấy, Bác Hồ về thăm, do Bác biết ở nhà máy lúc đó đang có chuyện mất đoàn kết nội bộ, làm giảm sút nhiều mặt sản xuất .

Bác hỏi đồng chí Bí thư Đảng uỷ :

- ”Ở đây có mất đoàn kết không chú ?

- Thưa Bác, có ạ .

Bác thân tình nói: ”Đoàn kết là một truyền thống quý báu của nhân dân ta, Đảng phải có trách nhiệm giữ vững khối đoàn kết đó. Tại sao ở đây lại có tình trạng mất đoàn kết?”

Và Bác nhấn mạnh : “Đoàn kết là một trong những nhân tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Nhà máy ...“

Bác Hồ còn dặn :

“Tổ chức chính quyền cần có kế hoạch, biện pháp sát đúng. Tổ chức thật tốt bộ máy quản lý, đội ngũ những người làm công tác khoa học kỹ thuật, nhằm tăng năng suất lao động, chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, thực hành tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân. Đó là ý thức giai cấp, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân”.

Bác Hoàng Lâm
Nguyên Giám đốc nhà máy Bóng Đèn Phích nước Rạng Đông
Công nhân Rạng Đông vẽ tranh Bác Hồ
Tranh sơn dầu của họa sỹ Phạm Đức Phong
Bác Hồ quan tâm nhất đến chất lượng sản phẩm. Đến phân xưởng nào Bác cũng hỏi :

- Chất lượng hôm nay đã tốt hơn chưa?

Mỗi ngày các cháu làm được bao nhiêu phích, bao nhiêu bóng đèn?

Bác hỏi đồng chí Giám đốc Nhà máy :

- ”Chú làm Giám đốc, trong bữa ăn tối của gia đình, bóng đèn bị hỏng, chú có bực không?

- Dạ thưa Bác, có ạ !

- Thế thì mọi người dùng bóng đèn kém chất lượng họ cũng bực như chú đấy ! “.

Có lần Bác kể một câu chuyện:

“Có mấy gia đình công nhân được nhận nhà mới. Nhờ anh em giúp đỡ, họ đã mua sắm giường mới, bóng đèn, phích nước, xe đạp... mọi người đều phấn khởi. Tiếc thay các thứ đó chỉ dùng được mấy hôm đã có vấn đề ”. Các cô, các chú thử nghĩ xem, cảm tình của những gia đình ấy đối với ngành Công nghiệp nhẹ nồng hậu thế nào?”

Bác Hồ rất quan tâm tới việc học tập, đào tạo, nâng cao trình độ của công nhân viên chức, nhất là thanh niên.

Tới phân xưởng Cơ khí - Đột dập , thấy trên tường nhà có câu khẩu hiệu “ Học - Học nữa - Học mãi” viết bằng tiếng nước ngoài, Bác khen:

“Thanh niên chịu khó học tập để thêm hiểu biết là điều rất quí”.

Tới phân xưởng Thuỷ tinh. Bác hỏi thợ thổi:

- Các chú được đào tạo nghề ở đâu?

- Dạ thưa Bác, chúng cháu được đào tạo tại Nhà máy ạ .

- Bác khen: “Thế thì các chú làm việc giỏi đấy ! “.

Có điều lạ, từ những ngày ấy, Bác đã quan tâm tới giữ gìn môi trường, vệ sinh và cảnh quan công nghiệp của Công ty.

Ngày ấy, vật tư hoá chất được cung cấp giá rẻ, anh em chưa biết tiết kiệm, nhặt nhạnh, chắt chiu. Đi tới Phân xưởng Phích nước, thấy mảnh thuỷ tinh hình thoi cong cong rơi vãi, Bác cúi xuống nhặt bỏ nhẹ vào thùng đựng mảnh.

Thấy vệ sinh công nghiệp, cảnh quan môi trường Nhà máy còn chưa tốt, Bác nói:

- Bác đã có dịp đến thăm những nhà máy ở nước bạn, anh em công nhân nước bạn giữ nhà máy rất sạch, rất đẹp. Còn Nhà máy Bóng đèn Phích nước của chúng ta đây bẩn quá. Máy móc bẩn này, tường nhà bẩn này, nơi làm việc cũng bẩn này. Vệ sinh công nghiệp không đảm bảo thì ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm, có đúng không các chú? “.

Quan tâm tới con người, quan tâm đến từ những điều tưởng như nhỏ nhất...

Vừa dừng xe, Bác đã đi thẳng ra khu vệ sinh công cộng. Bác nói với các đồng chí lãnh đạo Nhà máy:

”Các chú là người chú, người anh của công nhân, sao không nhắc nhở mọi người có ý thức giữ vệ sinh nơi công cộng? ”

Vào thăm nhà ăn, thấy bàn ghế ngổn ngang bề bộn, thấy trên bàn ăn có những chiếc xương, Bác bảo : “Sao các chú sống hoang dã thế?”.

Thấy có nhiều ruồi, Bác hỏi “Các cô, các chú có nghe thấy tiếng gì không ? Bác nghe như tiếng trực thăng đang bay ! “.

Nhìn thùng nước gạo nhà ăn có nhiều cơm thừa, Bác hỏi :

- “Nhà máy chú nuôi lợn bằng gì?

- Chúng cháu dùng cơm canh thừa để chăn nuôi ạ!

- Mỗi ngày cơm thừa có đến 3 rá không?

- Anh em phấn khởi khoe với Bác: Thưa Bác, được hai, ba rá đấy ạ !

- Bác nói: "Như thế là các chú chưa quan tâm đến việc cải thiện bữa ăn cho công nhân. Phải tổ chức cho công nhân ăn hết tiêu chuẩn mới đảm bảo sức khoẻ để sản xuất “.

Lễ đón nhận cờ luân lưu của Chính phủ - năm 1979-

Ra sân nhà ăn có chỗ lầy lội, đồng chí Bí thư Đảng uỷ sợ trơn nên mời Bác đi lối khác .

Bác xua tay : “Chú cứ để Bác đi, Bác có ngã vì trơn thì sau này các cô, các chú mới không bị ngã !”

Ơi lòng Bác Hồ với chúng con, cứ mỗi lần nhẵc đến lòng con lại nghẹn ngào.

Bác Hồ còn dặn Đảng bộ, dặn CBCNVC Nhà máy chúng ta nhiều điều, ân cần, sâu sắc. Trước lúc ra về Bác dặn:

“Các cô các chú cố gắng làm tốt, Bác sẽ về thăm ... “

Đối với mỗi Người Rạng Đông lúc đó, Bác đến là điều may mắn và xúc động lạ thường.

Rồi giặc Mỹ ném bom Miền Bắc, ném bom Hà Nội, nhà máy sơ tán về xã Ái Quốc - Hưng Yên, đi Ba Thá - Hà Tây...

Rồi Bác ra đi ...

Lòng Người Rạng Đông lúc đó ân hận vì đã làm Bác phải phiền lòng.

Lòng Người Rạng Đông còn mãi nỗi băn khoăn : Mình chưa làm tốt những điều Bác dặn để kịp đón Người về thăm lại, dù chỉ một lần.

Tưởng nhớ tới Bác Hồ, năm 1993 giữa vườn hoa trung tâm của Công ty, Đảng bộ đã đặt tượng đài Bác. ít công ty sản xuất - kinh doanh nào, mà ở tất cả các xưởng, tất cả các phòng đều treo ảnh Bác đang nói chuyện với CBVNVC, lời dạy của Bác Hồ được nhắc nhở mọi người hàng ngày ở mọi nơi, mọi chỗ trong Công ty.

Có phải chăng vì thế mà hơn 16 năm nay, khi chúng ta tổ chức phong trào thi đua”Học tập và làm theo lời Bác dạy” với nỗi băn khoăn trong lòng mỗi Người Rạng Đông, cùng với lòng kính yêu vô hạn Bác Hồ, cùng với tình cảm chính trị sâu sắc, cùng với tình cảm trong sâu thẳm tâm linh mỗi người đối với Bác đã tạo nên một động lực to lớn đưa công ty vượt lên phía trước, làm xứng danh truyền thống Rạng Đông có Bác Hồ.

Có phải là ngẫu nhiên hay là sự ứng nghiệm cho lòng Người Rạng Đông, đúng buổi sáng ấy, đúng ngày 28 ấy, đúng tháng Tư ấy, 36 năm sau, ngày 28-4-2000 Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ký Quyết định số 159/KT-CTN phong tặng cho tập thể CBCN Công ty Bóng Đèn Phích nước Rạng Đông danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới.

Từ Rạng Đông có Bác Hồ đến Rạng Đông anh hùng và có Bác Hồ, con đường có thể dài, ngắn, có thể lâu mau, nhưng là con đường tất yếu, ngẫu nhiên sao được.
Hà Nội, tháng tư - 2001